Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33 - 76% F0 có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt bệnh cấp tính; 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có gần 500.000 trường hợp mắc COVID-19 (chiếm khoảng 5% dân số của thành phố), trong đó có hơn 300.000 người đã xuất viện, do đó các nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe hậu COVID-19 là đáng quan tâm.
Qua ghi nhận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) kể từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022, có 1.021 bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh đến thăm khám ở tất cả chuyên khoa. Đa phần người bệnh đến khám vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần. Trong đó, hơn 510 bệnh nhân (50%) gặp vấn đề về hô hấp, 182 bệnh nhân gặp vấn đề về thần kinh, 134 trường hợp về tim mạch, 80 trường hợp về nội tiết, 66 trường hợp về tiêu hoá và 49 trường hợp về cơ xương khớp.
“Hội chứng hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh nặng nhập viện hoặc lớn tuổi có bệnh đồng mắc, mà còn gặp ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh và mắc bệnh nhẹ”, ông Nguyễn Anh Dũng nói.
Bác sĩ Phan Minh Hoàng cho biết, hiện tại bệnh viện điều trị hơn 1.000 ca bệnh, trong đó điều trị nội trú là 341 ca, còn lại là điều trị ngoại trú. Hầu hết di chứng hậu COVID-19 ở các bệnh nhân được ghi nhận có ảnh hưởng về hô hấp cấp và hô hấp mãn tính, một số di chứng về tim mạch, một số bệnh lý xuất huyết não, nhồi máu não, stress, lo âu, rối loạn giấc ngủ...
Theo đó, bác sĩ Phan Minh Hoàng khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính với COVID-19 cần quay lại bệnh viện tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần, cần làm các xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.
Ông Nguyễn Anh Dũng cũng cho rằng, tác động của “hội chứng hậu COVID-19” không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn tác động đến công việc, xã hội và kinh tế; vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay với các chiến lược tiếp cận sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội; chiến lược can thiệp sớm với việc điều trị, chăm sóc sớm cho người mắc hội chứng hậu COVID-19.
Theo đó, thời gian tới, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh; đặc biệt, sẽ xây dựng hướng dẫn điều trị hậu COVID-19 theo các phân tuyến điều trị với các mô hình như: y tế cơ sở đảm nhận chăm sóc nhóm người bệnh hậu COVID-19 mức độ nhẹ; tiếp cận, phát hiện các vấn đề sức khỏe; quản lý chăm sóc, tư vấn từ xa, cùng với đó là điều trị bằng phương pháp thực dưỡng, phương pháp điều trị không dùng thuốc, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
Bệnh viện tuyến quận, huyện chăm sóc nhóm người bệnh COVID-19 mức độ trung bình; khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng... Đối với bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối chăm sóc nhóm người bệnh COVID-19 mức độ nặng; khám và điều trị chuyên khoa sâu (hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…), nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị...