Anh Jujun Junaedi 42 tuổi ở thành phố Sukabumi đã dành thời gian rảnh rỗi để xem video hướng dẫn và tự chế tạo trực thăng. Người thợ cơ khí này nhận xét về tình trạng giao thông ở Sukabumi, cách thủ đô Jakarta khoảng 110km: “Thật khó chịu. Tốn xăng và lãng phí thời gian. Bạn luôn rơi vào cảnh bực tức khi ra đường”.
Sau khi mua phụ tùng và tận dụng sắt vụn từ cửa hàng sửa xe ô tô của mình, anh Junaedi cho biết đã chi khoảng 2.100 USD (gần 50 triệu đồng) cho chiếc trực thăng trong suốt 18 tháng qua.
Anh được con trai và hàng xóm hỗ trợ để lắp ráp chiếc trực thăng dài 8 mét chạy bằng xăng này. “Miễn là trực thăng của tôi cất cánh được thì tôi thấy hài lòng rồi”, anh chia sẻ. Hiện sản phẩm tự chế của Junaedi vẫn chưa thực hiện chuyến bay nào. Trong khi đó, vợ Junaedi tỏ ý không hài lòng với việc chồng chi nhiều tiền để chế máy bay.
Jujun Junaedi không phải người đầu tiên có ý định chế tạo máy bay thủ công. Hai năm trước, một người đàn ông Nam Phi đã dùng các tấm sắt cùng nhiều loại phế liệu khác để lắp ráp bản sao của một chiếc máy bay trực thăng cảnh sát.
Năm 2016, một người nông dân ở Trung Quốc cũng từng gây xôn xao các mặt báo vì đã nghiên cứu tự chế trực thăng suốt 3 năm song thất bại.