(Tin tức) - Thời mà các “đại gia” Trung Quốc vi vu trên những chiếc xe hơi sang trọng, đeo những chiếc đồng hồ đắt tiền và ngồi ở những nhà hàng nổi tiếng đã bắt đầu đi vào quá khứ. Giờ đây cánh nhà giàu ở đất nước đông dân nhất thế giới này đã tìm được cách mới để thể hiện sự giàu sang của mình: Cưỡi những chiếc du thuyền xa xỉ ra khơi.
Khu đậu bến du thuyền nhìn từ trên cao tại đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Internet |
“Họ muốn ra đại dương để thư giãn, đưa những vị khách VIP ra đó để câu cá và bàn chuyện làm ăn”, Zheng Weihang, Tổng Thư ký Hiệp hội du thuyền của Trung Quốc, cho biết. Với số tỉ phú nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ (theo số liệu thống kê của tạp chí Forbes), Trung Quốc đang trở thành một thị trường đầy tiềm năng khiến các công ty đóng tầu, các hãng phát triển hàng hải nước ngoài không thể làm ngơ. Ông Zheng cho biết, Trung Quốc hiện có khoảng 1.000 chiếc xuồng máy và du thuyền sang trọng neo đậu xung quanh các bờ biển nước này. Con số đó sẽ tăng lên hơn 10.000 trong 5 năm tới.
Tại một khu đất mới được khai hóa nằm gần thành phố cảng Thiên Tân ở phía bắc Trung Quốc, Công ty Rainbow Land Holdings có trụ sở tại Hồng Công đang đóng chiếc du thuyền với 750 giường nằm và được coi là lớn nhất trong Hiệp hội du thuyền hiện nay ở Trung Quốc.
"Có vẻ nếu như bạn đóng du thuyền, họ (những người giàu Trung Quốc) sẽ đến với bạn", David Brightling, Tổng giám đốc công ty trên cho biết. "Chúng tôi sẽ là đích đến của nhiều người ở Bắc Kinh. Vấn đề là giới thiệu với họ lối sống này". Thuyền máy là loại thuyền được giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng nhất bởi vì nó dễ điều khiển hơn thuyền buồm. Hơn 80% thuyền máy ở Trung Quốc được nhập từ châu Âu và Mỹ.
Năm năm trước, Công ty đóng tàu sang trọng của Italia là Azimut đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Từ đó đến nay, Azimut đã bán 30 du thuyền và thu về 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 15 triệu USD), ông Tim Bai, đại diện bán hàng của Azimut tại Thượng Hải cho biết. Ông Bai nhận định: "Trung Quốc có dân số lớn và có rất nhiều tỷ phú. Đây thực sự là một thị trường có rất nhiều tiềm năng để khai phá".
Cùng quan điểm lạc quan với ông Bai, Tổng biên tập tạp chí du thuyền Trung Quốc Janet Chen cũng tin rằng ngành này có tiềm năng to lớn. Ông Chen dự báo số bến cho du thuyền và những chiếc giường nằm trên du thuyền ở Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm tới (vào khoảng 60 bến và 5.000 giường), đem lại một “tương lai tươi sáng” cho ngành công nghiệp này. "Những người giàu mới nổi ở Trung Quốc thích các món đồ mới, phong cách sống mới và họ thích ganh đua nhau bằng kích cỡ của những con thuyền", ông Chen nhận xét.
Trước sự thăng tiến của thị trường, các công ty Trung Quốc cũng bắt đầu đóng các con tàu sang trọng, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn thích các con tàu thương hiệu nước ngoài vì nó mang lại cho họ tiếng tăm nhiều hơn. "Khi bạn muốn mua sản phẩm có chất lượng và đẳng cấp cao hơn, thì bạn vẫn phải tìm đến các thương hiệu đắt tiền của nước ngoài", Delphine Lignieres, Giám đốc Công ty China Rendez-Vous, chuyên tổ chức triển lãm về lối sống sang trọng hàng năm tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, cho biết.
Tháng 9 vừa qua, Lignieres đưa một nhóm 25 đại diện công ty đóng tàu, phát triển các bến du thuyền và chủ nhân của những chiếc du thuyền tương lai tới triển lãm tàu thuyền tại thành phố Cannes, miền nam nước Pháp, nhằm giúp họ khám phá những “tàu thuyền thời trang”.
Theo PriceWaterhouseCoopers, nền kinh tế Trung Quốc sau 30 năm phát triển với tốc độ chóng mặt, có rất nhiều người ở nước này đủ khả năng mua những sản phẩm chất lượng cao hàng đầu và Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ hàng xa xỉ hàng đầu thế giới vào năm 2015. Theo Công ty tư vấn Bain&Company, doanh thu từ hàng xa xỉ ở Trung Quốc Đại lục đạt xấp xỉ 8,6 tỷ USD vào 2008. Nếu tính cả việc người Trung Quốc mua sắm ở nước ngoài thì con số này vào khoảng 20 tỉ USD.
Tổng biên tập Tạp chí Tàu thuyền châu Á - Thái Bình Dương Ryan Swift cho rằng việc số người sử dụng tàu thuyền ở Trung Quốc gia tăng không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự giàu lên ở Trung Quốc, mà hơn thế, nó còn mang lại sự thay đổi về văn hóa trong cách sống của người Trung Quốc.
Lê Hải (theo AFP)