Người dân Puerto Rico vui mừng sau khi kết quả ủng hộ quy chế trở thành bang thứ 51 của Mỹ được công bố ngày 11/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 11/6 tại Puerto Rico cho thấy gần 97,2% số người đi bỏ phiếu muốn vùng lãnh thổ này trở thành một bang của Mỹ.
Theo New York Times, kết quả cuộc trưng cầu ý dân công bố ngày 11/6 cho thấy 97,2% số người đi bỏ phiếu muốn vùng lãnh thổ này trở thành một bang của Mỹ, 1,5% số cử tri ủng hộ là vùng lãnh thổ độc lập trong khi 1,3% muốn giữ nguyên hiện trạng.
Tuy số cử tri bỏ phiếu thuận đạt tỉ lệ áp đảo nhưng kết quả này không phản ánh nguyện vọng của toàn thể người dân Puerto Rico, bởi chỉ có 23% trong số gần 22 triệu cử tri vùng lãnh thổ này tham gia cuộc trưng cầu dân ý. Đây là mức thấp không nằm ngoài dự báo sau khi các đảng đối lập vốn ủng hộ hiện trạng của vùng lãnh thổ, kêu gọi người dân tẩy chay cuộc trưng cầu không mang tính bắt buộc này.
Ông Ricardo Rossello (giữa), Thủ hiến Puerto Rico trả lời phỏng vấn báo chí tại điểm bầu cử ở Guaynabo, Puerto Rico ngày 11/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Thủ hiến Puerto Rico Ricardo Rossello thuộc Đảng Cấp tiến mới cho biết ông có kế hoạch đấu tranh để vùng lãnh thổ này được chấp nhận là bang thứ 51 của Mỹ. Quốc hội Mỹ sẽ là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng về việc Puerto Rico có được trở thành bang thứ 51 của Mỹ hay không.
Cử tri Puerto Rico cho rằng vùng lãnh thổ này đang cần Mỹ hơn bao giờ hết. Theo những người ủng hộ Puerto Rico trở thành một bang của Mỹ, với thu nhập và thuế doanh nghiệp mà khu vực này nhận được như một bang, Puerto Rico sẽ không rơi vào mớ hỗn độn về tài chính hiện nay. Nếu trở thành một bang của Mỹ từ năm 2011, Puerto Rico đã được nhận 3 tỷ USD để chi trả các khoản trợ cấp y tế và thu nhập an sinh bổ sung.
“Nếu có một trận động đất ở Puerto Rico, ai sẽ tới giúp? Người Mỹ! Đây là đất của họ… Chúng tôi cần ai đó hỗ trợ, gửi tiền cho chúng tôi. Nhiều người đói kém, kể cả với sự trợ giúp chúng tôi nhận được”, bà Gladys Martinez Cruz, 73 tuổi, một nhân viên thuế đã về hưu ở khu phố Barrio Obrero, San Juan, nói.
“Tôi muốn con và cháu mình giữ được quyền công dân Mỹ… Từng chút một, với số phiếu có được, chúng tôi phải cố gắng để trở thành một bang”, Maira Rentas, một y tá tại San Juan nói.
Trong khi đó, cũng có nhiều người có ý kiến trái ngược. Bà Ana Velázquez, 50 tuổi, một thư ký bệnh viện, nói rằng các vấn đề kinh tế của Puerto Rico rất lớn đến mức chúng làm lu mờ các lý do khác, chẳng hạn như ngôn ngữ, văn hoá và đặc tính có thể bị mất nếu hòn đảo trở thành một bang của Mỹ.
Kể từ năm 1917, người dân Puerto Rico trở thành công dân Mỹ có thể tự do tới Mỹ sinh sống và làm việc, nhưng họ không được phép đi bầu Tổng thống hay Quốc hội Mỹ. Vấn đề này sẽ được cần được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, Puerto Rico hiện không nằm trong ưu tiên hàng đầu của Washington. Nhiều người dân Puerto Rico hoài nghi việc Quốc hội Mỹ sẵn sàng chào đón một tiểu bang có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao ngất ngưởng. Thu nhập bình quân đầu người của Puerto Rico hiện bằng một nửa so với bang nghèo nhất của Mỹ là Mississippi.
Tuần trước, Thủ hiến Puerto Rico Ricardo Rossello đã ký một đạo luật nhằm buộc Quốc hội Mỹ phải hành động. Ông Rossello dự kiến sẽ bổ nhiệm 5 đại diện và 2 Thượng nghị sĩ tới Washington và yêu cầu quyền lợi.