Người dân biểu tình tại San Juan, Puerto Rico ngày 1/5 để phản đối các chính sách của chính phủ. Ảnh: Reuters |
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ông Roselló đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi các chủ nợ chính của “bang tự do hợp nhất” này của Mỹ đã buộc phải đệ đơn lên các tòa án để yêu cầu được trả nợ. Một khi hoàn thành các thủ tục, đây được coi là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử thị trường nợ của Mỹ.
Ủy ban tài chính giám sát các tài khoản của Puerto Rico do Washington chỉ định đã chấp nhập việc áp dụng luật về tái cấu trúc nợ được thông qua tháng 7/2016, và thường được gọi là PROMESA, trong đó chương III quy định việc khởi động quá trình tái cấu trúc nợ này tương đối giống với sự bảo hộ trong luật phá sản của Mỹ, do quy chế bang tự do của Puerto Rico vốn không cho phép áp dụng toàn bộ luật lệ của Mỹ.
Việc áp dụng luật này trao cho Puerto Rico khả năng pháp lý được cắt giảm đáng kể các nghĩa vụ tài chính với các chủ nợ, nhưng đồng thời cũng bị mất uy tín với các nhà đầu tư và khép lại tương đối cánh cửa tới các thị trường vốn của hòn đảo trên biển Caribe có 3,5 triệu dân sinh sống này.
Trong thông cáo chính thức, ông Roselló khẳng định lựa chọn này không đồng nghĩa với việc các cuộc thương lượng hướng tới tái cấu trúc dựa trên đồng thuận phải dừng lại.
Trước đó, kế hoạch tài chính do ông Roselló đệ trình và được Ủy ban tài chính thông qua hồi tháng 3 dự kiến mỗi năm Puerto Rico chỉ chi trả 800.000 triệu USD để trang trải nợ, chưa tới 1/4 mệnh giá các nghĩa vụ tài chính mà vùng lãnh thổ này phải thực hiện. Chỉ số quá thấp này không làm hài lòng các chủ nợ và các cuộc đàm phán về tái cấu trúc nợ rơi vào ngõ cụt.
Ngoài con số nợ nước ngoài khổng lồ, Puerto Rico hiện tại còn gánh chịu tỷ lệ nghèo đói lên tới 45%, dân số giảm và tỷ lệ thất nghiệp cao gấp đôi mức trung bình của toàn nước Mỹ.