Nhóm thám hiểm đã leo xuống độ sâu hơn 100 mét và đi bộ vài giờ để tiếp cận được đáy hố.
Hố sụt này có chiều dài 306m, chiều rộng 150m và chiều sâu 192m, với thể tích vượt quá 5 triệu mét khối. Điều đó đồng nghĩa với việc nó chính thức được phân loại là hố sụt lớn.
Nhóm nghiên cứu cho biết bên dưới hố, các cây cổ thụ mọc cao gần 40 mét. Và khu rừng nguyên sinh vừa được phát hiện có thể là nơi sinh sống của các loài thực vật và động vật chưa từng được biết đến trước đây.
Bí ẩn nằm dưới lòng đất này đã được nhóm nhà khoa học khám phá hang động ở Trung Quốc tìm ra hồi tháng 5 năm ngoái tại Công viên địa chất toàn cầu Leye Fengshan. Nơi đây thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, phía Tây Nam Trung Quốc.
Các hố sụt khổng lồ này còn được người dân địa phương gọi là “tiankeng” hay “hố trời”.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa cho biết phát hiện mới trên đã nâng tổng số hố sụt lớn trong khu vực kể trên lên đến 30.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hố sụt khổng lồ thường do nước ngầm hòa tan nền đá vôi phổ biến tại khu vực này.
Tuy nhiên, khu rừng độc đáo được tìm thấy ở phía dưới thật khác thường. Cây cối có thể phát triển nhờ lỗ hổng của cái hố, cho phép đủ ánh sáng lọt vào trong.
Trang web của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) miêu tả công viên Leye Fengshan nổi tiếng với các khối trầm tích, phần lớn là các khối đá cacbonat dày đến 3.000 mét tồn tại cách đây trên 400 triệu năm. Nơi đây còn được mệnh danh là vùng đất của các hang động và cây cầu tự nhiên dài nhất thế giới.