Mỗi khi gió thổi vào huyện Songjiang ở ngoại ô thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), mũi người dân sống ở nơi đây lại bị tra tấn bởi mùi rác thải hôi thối từ bãi rác chất cao như núi gần đó. Mùi rác nồng nặc này độc hại đến mức có thể làm cho người ta nôn mửa và người dân đồn rằng nó thậm chí khiến thai nhi sinh ra bị dị tật.
Không chịu nổi mùi hôi thối của rác, người đàn ông này phải vừa đi xe máy vừa bịt mũi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Không chịu đựng được lâu hơn, người dân Songjjang đang làm ầm ĩ lên về tương lai của bãi rác, đòi chính phủ phải chịu trách nhiệm hơn về vấn đề môi trường và sức khỏe của người dân.
Ông Chen Chunhui, một người sống gần bãi rác, nói: “Mọi rác rưởi ở Songjjang đều tập trung về đây. Đây là khu vực dân cư và mọi người đang phản đối. Họ nói rằng nếu bạn ngửi mùi này, con của bạn sẽ bị quái thai”.
Hàng trăm người dân đã xuống đường biểu tình kể từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6 để phản đối sự tồn tại của bãi rác và kế hoạch xây lò đốt rác mà các quan chức đề xuất để giải quyết vấn đề.
Cuộc biểu tình hồi tháng 5 được coi là lớn nhất ở Thượng Hải kể từ năm 2008. Người biểu tình Songjjang, phần lớn là người trẻ tuổi, có học thức và không phải ai cũng là người Thượng Hải chính gốc, cho rằng lò đốt rác sẽ thải ra chất độc hại nguy hiểm. Họ phản đối chính quyền địa phương thiếu minh bạch về dự án lò đốt rác này.
Một người biểu tình đeo khẩu trang y tế nói khi biểu tình hồi đầu tháng 6 hô to: “Phản đối lò đốt rác, bảo vệ nhà chúng tôi”.
Trước đó, quan chức chính phủ hồi tháng 5 thông báo rằng Songjjang sẽ xây một lò đốt rác trị giá 40 triệu USD trên bãi chôn rác hiện nay do dân số ngày càng đông.
Tuy nhiên, người dân cho rằng lò đốt này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe hàng trăm nghìn người dân và đòi chuyển bãi rác ra nơi khác. Bãi rác này đã cao tới 19 mét và bao phủ một diện tích bằng một sân bóng.
Trong thời gian gần đây, ô nhiễm môi trường và các mối đe dọa sức khỏe đã khiến người dân biểu tình khắp nơi. Năm ngoái, hàng nghìn người đã ngừng sản xuất tại một nhà máy tấm pin mặt trời gây ô nhiễm ở thành phố Haining. Trong khi đó, người dân ở thành phố Dalian cũng biểu tình khiến một nhà máy hóa dầu phải ngừng xây dựng theo kế hoạch.
Đầu tháng 7, tại tỉnh Tứ Xuyên, hàng trăm người Trung Quốc đã đụng độ với cảnh sát do phản đối xây dựng một nhà máy kim loại ở thành phố Shifang, khiến dự án xây nhà máy này phải “đắp chiếu”.
Ông Phelim Kine, nhà nghiên cứu châu Á cấp cao thuộc tổ chức Giám sát nhân quyền tại New York, nói: “Tầng lớp trung lưu thành thị đang ngày một phản ứng mạnh với những mối đe dọa đến chất lượng cuộc sống của họ. Do đó, họ có xu hướng xuống đường biểu tình nhiều hơn”.
Trong khi đó, chính quyền địa phương tìm cách trấn an người dân. Ông Xu Qiyong, một quan chức thuộc Cục vệ sinh Songjjang, nói: “Hãy tin tưởng chúng tôi. Chúng tôi sẽ bỏ ra nhiều tiền vào các dự án này và chẳng có lý do gì các dự án đó lại không hoạt động an toàn và hiệu quả”.
Tuy nhiên, niềm tin vẫn còn là một vấn đề vì theo một người biểu tình, chính quyền không có sự minh bạch và họ không tin vào chính quyền.
Thùy Dương (Theo AFP)