Theo hãng thông tấn Kyodo, chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 chính thức của nước này đã được khởi động vào ngày 17/2 vừa qua. Đối với loại vaccine này, các nhân viên y tế phải thực hiện kỹ thuật tiêm bắp, với mũi tiêm đặt góc vuông 90 độ so với cánh tay người. Vaccine sẽ được tiêm vào cơ delta ở cánh tay trên.
Tại Nhật Bản, cách thức tiêm dưới da phổ biến hơn. Tuy nhiên, nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 khuyến cáo không nên tiêm vaccine dưới da hoặc vào tĩnh mạch do hiệu quả và mức độ an toàn của loại vaccine này có thể bị ảnh hưởng,
Mặc dù những người được tiêm bắp có thể cảm thấy đau buốt sau một thời gian tiêm, nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người không nên quá lo lắng vì cơn đau không kéo dài. Mahito Mine, Giám đốc Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản, nói thêm một số người có thể cảm thấy đau, sốt hoặc gặp khó khăn khi sử dụng cánh tay vài giờ sau do phản ứng của hệ miễn dịch. Hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất vào cuối ngày, chỉ trong một số trường hợp hiếm chúng mới kéo dài vài ngày. "Hãy gọi cho bác sĩ gia đình của bạn hoặc đường dây nóng của thành phố nếu bạn lo lắng”, vị chuyên khoa cho hay.
Ở Nhật Bản, hầu hết các loại vaccine, bao gồm vaccine phòng cúm, đều được tiêm dưới da với mũi kim đưa vào cơ thể người một góc 30-45 độ. Trong khi đó, tiêm bắp sẽ tiêm sâu hơn bên dưới mô da vào cơ. Tiêm dưới da trở nên phổ biến ở Nhật Bản sau khi xuất hiện ghi nhận về những bất thường trong vận động cơ ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi khi được tiêm bắp.