Những chỉ trích của các nước Phương Tây với Nga dường như không còn ảnh hưởng gì đến các nước Mỹ Latinh, nơi gần đây đã công khai nhiều đánh giá tích cực về Moskva. Đặc biệt, vaccine Sputnik V do Nga sản xuất đang được chào đón rộng rãi trong khu vực này.
Eduardo Valdes, một cựu quan chức ngoại giao, hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Argentina, cho rằng có một ranh giới rõ ràng giữa đàm phán vaccine và những yếu tố khác. “Lúc này không phải thời để thực hiện ý thức hệ. Mục tiêu của chúng tôi là Tây Bán cầu phải có được vaccine và không can thiệp vào công việc nội bộ của người khác”, ông Valdes phát biểu với CNN.
Tìm đến sự giúp đỡ của Moscow
Mặc dù trong lịch sử được coi là “sân sau” địa chính trị của Washington, Mỹ Latinh đang ngày càng ngả sang Moscow để tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Sáu quốc gia trong khu vực - gồm Argentina, Bolivia, Mexico, Nicaragua, Paraguay và Venezuela – hiện đã sử dụng vaccine Sputnik V. Những nước khác đang cân nhắc các đề nghị cấp phép, vốn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu.
Colombia là một ví dụ. Là một đồng minh khu vực thân cận nhất của Mỹ, Bogota cũng đang chuẩn bị cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Sputnik V – một quyết định gây nhiều ngạc nhiên do quan hệ gắn kết giữa chính phủ liên minh Colombia với đảng Cộng hòa Mỹ. Trong quá khứ, các thành viên cánh hữu trong đảng Centro Democrático của Tổng thống Marquez Duque từng công khai chỉ trích sự can dự của Nga ở Mỹ Latinh.
Nhưng khi đại dịch càn quét và Colombia không có lấy một liều vaccine, Tổng thống Duque dường như đã quyết định gạt ý thức hệ sang một bên. Chỉ một ngày sau khi tạp chí y khoa The Lancet công bố về Sputnik V, Colombia thông báo bước vào đàm phán mua vaccine của Nga.
Chỉ không đầy 3 tháng trước đó, Bogota đã trục xuất hai quan chức Nga trong một vụ việc chưa rõ ràng. Tuy nhiên theo ông Leonid Sboiko, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nga tại Bogota, “vụ việc không ảnh hưởng tới việc đàm phán mang vaccine tới đây”.
Hợp đồng vaccine có thể là một bước đi hướng tới xoa dịu mọi việc. “Cả hai nước muốn sang trang mới. Đó là điều đáng tiếc, nhưng chúng tôi muốn bước tiếp. Hợp tác về vaccine là vấn đề áp lực nhất lúc này, và nó sẽ có ảnh hưởng tích cực tới quan hệ song phương [Colombia và Nga]”, ông Sboiko bổ sung.
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan quản lý thương mại hóa vaccine Sputnik V, tuần trước đã nộp đơn xin cấp phép lên Cơ quan Y tế Colombia, INVIMA, và sẵn sàng chuyển giao 100.000 liều vaccine chỉ trong 14 ngày sau ký hợp đồng.
Những hợp đồng thuận lợi
Nhu cầu đảm bảo có thêm vaccine đang rất cấp thiết tại Mỹ Latinh. Các nước trong khu vực này nằm trong số những quốc gia bị đại dịch tàn phá nặng nề nhất thế giới, trong khi các chiến dịch tiêm chủng đại trà hầu hết chưa được bắt đầu.
Theo Đại học Oxford, các nước Nam Mỹ trung bình chỉ được phân phối không đầy 2 liều vaccine/100 dân, trong khi tỷ lệ này ở EU là 5/100 và trên 14/100 dân ở Mỹ.
Việc Nga sẵn sàng ký các hợp đồng là nhân tố then chốt trong lan tỏa vaccine Sputnik V trên khắp Mỹ Latinh cho đến nay. Nghị sĩ Valdes của Argentina cho rằng, các cuộc đàm phán với Moscow luôn dễ dàng hơn với Pfizer (Mỹ), công ty mà ban đầu Chính phủ Argentina muốn mua vaccine.
“Chúng tôi đánh giá hợp đồng với Pfizer không tuân thủ các giao thức pháp lý mà chúng tôi mong đợi. Chúng tôi đã liên hệ với người Nga và Tổng thống Fernadez trực tiếp trao đổi với Tổng thống Putin” - ông Valdes cho hay. Cho đến nay Argentina đã mua 25 triệu liều vaccine Sputnik và đã tiêm trên 600.000 liều. Trong khi đó, họ vẫn đang chờ được cung cấp liều vaccine Pfizer đầu tiên.
Ngoài việc dễ đàm phán, có hai yếu tố khác góp lợi thế cho vaccine Sputnik V tại Mỹ Latinh, đó là giá rẻ và dễ bảo quản. Ngay từ trước khi đàm phán bắt đầu Nga đã công khai giá của Sputnik V là gần 10 USD/liều – chỉ bằng gần một nửa giá của Pfizer (19,50 USD/liều). Các nền kinh tế Mỹ Latinh đã bị tổn thất nặng nề bởi đại dịch và bất cứ khoản cắt giảm chi phí nào đều được các chính quyền và chính trị gia ưu tiên.
Vaccine Sputnik V có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường là 2-8 độ C và không đòi hỏi bảo quản siêu lạnh như vaccine Pfizer. Yếu tố này rất phù hợp với các nước Mỹ Latinh vốn thiếu thống thiết bị bảo quản siêu lạnh.
Trên toàn thế giới, đến nay có 26 quốc gia đã phê chuẩn sử dụng vaccine Sputnik V của Nga.
Uy tin của nước Nga
Các nhà phân tích đánh giá Nga hưởng lợi từ sự lan tỏa rộng rãi của vaccine Sputnik V, tạo điều kiện để bắt đầu các mối quan hệ mới. Theo ông Andres Serbin, Chủ tịch của Nhóm Điều phối viên Khu vực về Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (CRIES), một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại ở Buenos Aires, lợi ích của Nga ở Mỹ Latinh vừa là chính trị - nhằm cạnh tranh với tầm ảnh hưởng vượt trội của Mỹ ở Tây bán cầu, vừa là thương mại – nhằm mở rộng thị trường cho các công ty Nga. Và hoạt động cung cấp vaccine phục vụ cả hai mục tiêu này.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách nâng cao danh tiếng sau nhiều năm đối đầu với Mỹ và EU, và vai trò nhà cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển là một cơ hội hoàn hảo cho một chiến dịch quảng bá tích cực về hình ảnh nước Nga trong cộng đồng quốc tế.
Về mặt thương mại, việc bán hàng triệu liều vaccine cũng đồng nghĩa thu về lợi nhuận nhiều tỷ USD – điều quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.