Kỳ lạ người phụ nữ có bầu khi đang mang thai 3 tháng

Lúc đầu, bé Noah ở một mình, lớn lên vô cùng xinh xắn trong bụng mẹ. Nhưng sau ba tháng, Noah bất ngờ có bạn “chung nhà”.

Chú thích ảnh

Những bức ảnh cận cảnh đầu tiên của Noah, được chụp bằng siêu âm ở tuần thứ 7 và 10 của thai kỳ, cho thấy hình ảnh đứa con mà bà mẹ 39 tuổi Rebecca Roberts và ông bố 43 tuổi Rhys Weaver đã cố gắng thụ thai trong hơn một năm.

Nhưng sau đó, hình ảnh siêu âm được thực hiện ở tuần thứ 12 cho thấy Noah bất ngờ có một cô em gái nằm chung tử cung mẹ.

Người mẹ Rebecca thốt lên: “Tôi đã có thai trong khi đang mang thai, điều đó hoàn toàn điên rồ... bởi vì điều đó không thể xảy ra”.

Người em song sinh Rosalie xuất hiện trong tử cung mẹ vào khoảng 3 tuần sau khi Noah thụ thai.  Hiện tượng này được gọi là bội thụ tinh khác kỳ (superfetation). Mang thai khi đang có bầu là một trường hợp hiếm gặp đến mức một nghiên cứu năm 2008 đã chỉ ra rằng chỉ có không đầy 10 trường hợp được ghi nhận trong lịch sử thế giới.

Các bác sĩ nói với cặp vợ chồng rằng hai đứa trẻ đã được thụ thai cách nhau khoảng ba tuần.
"Họ nhận ra rằng đứa thứ hai đang phát triển với tốc độ ổn định sau ba tuần so với đứa đầu tiên, và sau đó họ nói với tôi, đây là một cặp song sinh thụ tinh khác kỳ", cô Rebecca cho biết. 

Chú thích ảnh
Ảnh chụp siêu âm bé Noah có em 3 tuần sau khi được thụ thai. Ảnh: CNN

"Tôi không thể tin rằng chuyện này đã xảy ra với mình. Nhưng nó đã xảy ra, thật đáng yêu. Tôi gần như trúng số vậy", Rebecca cười nói thêm. 

Ông bố Rhys Weaver cũng cảm thấy như vậy: "Tôi rất phấn khởi khi có một đứa con, và thậm chí còn hơn thế nữa khi có cặp song sinh…. Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đã may mắn và độc đáo như thế nào".

Lý giải hiện tượng cực kỳ hiếm gặp

Bác sĩ phụ khoa Lillian Schapiro, làm việc tại Atlanta cho biết, hiện tượng song sinh thụ tinh khác kỳ cực kỳ hiếm gặp vì nhiều lý do.

Đầu tiên, phụ nữ thường chỉ rụng trứng một lần trong mỗi chu kỳ, rụng một hoặc nhiều trứng đồng thời. Nếu quá trình thụ tinh bởi tinh trùng của người đàn ông thành công, trứng sau đó sẽ “làm tổ” trong tử cung, quá trình mang thai bắt đầu và không xảy ra hiện tượng rụng trứng nữa.

Bác sĩ Schapiro nói: “Nếu một người phụ nữ sinh đôi khác trứng thì có hai quả trứng được phóng ra cùng một lúc. Các cặp song sinh giống hệt nhau xảy ra nếu một quả trứng mới thụ tinh tách ra.

Trong trường hợp của Rebecca, trứng đã được thụ tinh và làm tổ trong lần rụng trứng đầu tiên, và "bằng cách nào đó cô ấy lại rụng trứng trong cùng chu kỳ đó", Schapiro giải thích. "Một quả trứng khác cũng được thụ tinh - trở thành một phôi khác - và vào những thời điểm khác nhau, cả hai phôi đều được cấy vào tử cung”.

Chú thích ảnh
Bé Rosalie là một "kỳ quan y học" hiếm có.

Bác sĩ Schapiro cho biết, một lý do khác khiến hiện tượng siêu sinh đôi trở nên đặc biệt là một khi quá trình mang thai bắt đầu, tử cung không còn là nơi thích hợp để “làm tổ” nữa. Điều đó có nghĩa là phôi thứ hai "phải cố gắng ‘làm tổ’ và phát triển ở giai đoạn mà chúng tôi không nghĩ rằng nó có thể phát triển."

 “Chúng tôi hầu như chưa bao giờ thấy hai phôi thai bắt đầu phát triển ở những thời điểm khác nhau. Điều đó thật đáng kinh ngạc”, ông Schapiro cho biết.

Em bé tí hon

Lúc đầu, vợ chồng Rebecca và Rhys lo lắng về sự phát triển của bé Rosalie trong bụng mẹ, vì sợ rằng việc thua xa anh trai lớn hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé khi sinh.

"Sự việc có thể đi theo một trong hai cách," Rebecca nói. "Vì đứa trẻ nhỏ hơn rất nhiều, có thể có vấn đề gì xảy ra với bé và bé có thể không sống sót. Đó là trường hợp thường xảy ra”.

"Nhưng họ nói rằng đứa trẻ này thực sự đang phát triển ổn định. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm", cô cho biết.

Video hành trình của cặp song sinh cực hiếm gặp trên thế giới (Nguồn: Good Morning America)

Được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai vào tháng 9/2020, cả hai em bé phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU). Rosalie, chào đời nhỏ xíu với cân nặng 1,1 kg, được gửi đến một NICU đặc biệt, trong khi Noah ổn hơn với cân nặng hơn 2kg. 

Rebecca nói: “Rosalie là một em bé nhỏ xíu, nhỏ xíu vừa vặn trong tay chúng tôi, và mặc dù Noah cũng rất nhỏ, nhưng bạn có thể thấy rằng bé vẫn lớn hơn em nhiều”.

“Đã rất khó khăn. Tôi trải qua ca phẫu thuật quan trọng, rồi các con lại nằm ở hai bệnh viện khác nhau. Rất vất vả để qua lại với cả hai bé", người mẹ kể về khó khăn đã qua.

Noah được về nhà sau 3 tuần, còn Rosalie tí hon thì ở lại phòng chăm sóc đặc biệt trong 95 ngày, kịp về nhà trước Giáng sinh năm ngoái.

Đến nay, khi đã gần 7 tháng tuổi, Noah vẫn nhỉnh hơn Rosalie. Cậu bé đang tập bò thật ngộ nghĩnh. 

“Cả hai đều thực sự ngọt ngào, bởi vì hai đứa nói chuyện với nhau. Đáng yêu lắm. Hai đứa giao tiếp với nhau rất tốt. Thật tuyệt khi ngắm nhìn chúng”, bà mẹ Rebecca hạnh phúc nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức
'Dự án Tình yêu' – Kế hoạch cứu Vương quốc Anh của Thủ tướng Boris Johnson
'Dự án Tình yêu' – Kế hoạch cứu Vương quốc Anh của Thủ tướng Boris Johnson

Vương quốc Anh đang đứng trước sức ép lớn của sự chia lìa, và Thủ tướng Boris Johnson muốn cứu vãn bằng tình yêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN