Sau 20 năm ở lại sở thú Memphis (bangTennessee, Mỹ) như một công cụ trong nỗ lực “ngoại giao gấu trúc” của Bắc Kinh, Ya Ya – một con gấu trúc cái 22 tuổi – sẽ được trả về Trung Quốc trong bối cảnh các nhóm đòi quyền và phúc lợi động vật bày tỏ lo ngại về sức khỏe của Ya Ya.
Về phần mình, sở thú tại Mỹ phủ nhận cáo buộc đã không chăm lo cho con vật.
Dẫn các nguồn tin trong Cục quản lý đồng cỏ và lâm nghiệp quốc gia, hãng thông tấn Tân Hoa ngày 25/4 đưa tin Ya Ya sẽ được đưa về Trung Quốc trong vài ngày tới.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các nhóm giám sát phúc lợi động vật In Defense of Animals và Panda Voices mạnh mẽ kêu gọi đưa Ya Ya về nhà trước khi sức khỏe của con gấu trúc trở nên tồi tệ hơn.
Một số nhà quan sát lập luận những bức ảnh và video ghi lại cuộc sống của Ya Ya ở Mỹ dường như cho thấy con gấu trong tình trạng hốc hác và đang bị bệnh về da. Bên cạnh đó, Ya Ya thể hiện nhiều hành vi bất thường, lặp đi lặp lại.
Trước đây, các cơ quan giám sát đã đổ lỗi cho sở thú Memphis chịu trách nhiệm cho cái chết của Le Le vào tháng Hai. Le Le là bạn đời của Ya Ya. Vào thời điểm đó, Defense of Animals cho rằng cái chết của Le Le chứng minh sở thú tại Mỹ hoàn toàn không có khả năng chăm sóc gấu trúc đúng cách.
Tuy nhiên, sở thú Memphis đã kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc về việc ngược đãi con vật. Website chính thức sở thú Memphis mjieue tả Ya Ya thể hiện những đặc điểm “hướng ngoại”, đồng thời nói rằng cô gấu trúc này thích chơi với những người quản lý của mình bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Ngay trước khi Le Le qua đời, tháng 12/2022, sở thú thông báo cặp gấu trúc dự kiến được trả về cho Thượng Hải sau khi hoàn thành chương trình “cho mượn” 20 năm trước. Công tác chuẩn bị để Ya Ya về nước đã được hoàn thành, dự kiến diễn ra trước cuối tháng 4.
Từ năm 1972, Bắc Kinh đã tiến hành một nỗ lực “ngoại giao gấu trúc” khi nước này tặng cặp gấu trúc cho Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon. Không chỉ có Mỹ, 17 quốc gia khác cũng đang có chương trình nuôi gấu trúc Trung Quốc. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới mà gấu trúc tồn tại trong môi trường sống tự nhiên.
Theo chuyên gia địa chính trị Matthew Fraser, Bắc Kinh sử dụng các hoạt động cho mượn gấu trúc như một công cụ thể hiện sự thiện chí hoặc thúc đẩy một thỏa thuận thương mại. Trả lời tờ báo New York Times đầu tháng 4, chuyên gia Fraser nhận định: “Khi Trung Quốc muốn lấy lại một con gấu trúc, thường sẽ là vì quốc gia này rất không hài lòng vì một lý do nào đó”.
Căng thẳng ngoại giao đã khiến việc cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên khó khăn, với việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mà cả hai nước hy vọng diễn ra vào cuối năm nay ngày càng phức tạp hơn. Mặc dù vậy, các quốc gia ở châu Á và châu Âu vẫn mong muốn có mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định hơn nhằm làm giảm rủi ro chính trị khi giao dịch với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.