Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 24/4, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Donald Lu đã bắt đầu chuyến thăm các nước Kyrgyzstan và Tajikistan. Tại Bishkek, ông Lu sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế và tự do ngôn luận. Tại Dushanbe, ông Lu có kế hoạch thúc đẩy quan hệ đối tác Mỹ - Tajikistan và các vấn đề an ninh.
Chuyến thăm Kyrgyzstan và Tajikistan của ông Lu kéo dài 5 ngày (từ 22 - 27/4) và là sự tiếp nối của chuyến thăm Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan năm ngoái. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng mục đích các chuyến thăm của ông Lu là "tăng cường cam kết của Washington đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia và mục tiêu chung của chúng tôi là một Trung Á thịnh vượng, an ninh và dân chủ".
Trước chuyến thăm lần này của ông Lu (được cho là nhằm thảo luận về các biện pháp trừng phạt chống Nga), các quốc gia trong khu vực đã nhiều lần được Mỹ khuyến nghị không hỗ trợ Nga lách các biện pháp trừng phạt. Washington cũng chú ý đến việc nối lại quan hệ hợp tác giữa Kyrgyzstan và Nga trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quân sự.
Hiện Bishkek và Moskva đang hoàn tất các thủ tục trong nước liên quan đến việc phê chuẩn một thỏa thuận được ký kết vào mùa hè năm 2022 về việc thiết lập một hệ thống phòng không chung. Mới đây, Chính phủ Nga đã đệ trình dự thảo thỏa thuận lên Tổng thống Nga Vladimir Putin để gửi quốc hội phê chuẩn.
Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin nhận định: "Nga và Kyrgyzstan đang xích lại gần nhau hơn không chỉ về quân sự mà còn về chính trị, vì không thể có liên minh quân sự nếu không có chính trị". Theo ông, thiết bị quân sự của Kyrgyzstan vẫn sẽ do Nga cung cấp, mặc dù Mỹ đã có kế hoạch khác nhằm đưa nước này hướng đến các trang thiết bị quân sự theo tiêu chuẩn của NATO.
“Hệ thống phòng không tích hợp sẽ tăng cường an ninh không chỉ cho Kyrgyzstan, mà còn cho toàn khu vực. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Bishkek chuyển một khu đất rộng 5 ha cho Nga trong thời gian thỏa thuận để đặt cơ sở hạ tầng phòng không. Rất có thể, nếu Moskva cung cấp các hệ thống S-300 hoặc S-400 có tầm bắn 600 km thì sẽ có thể bảo vệ bầu trời Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan và Kazakhstan từ Kyrgyzstan. Việc củng cố vị thế của Nga ở Trung Á rõ ràng khiến người Mỹ khó chịu”, chuyên gia này nêu rõ.
Các chuyên gia cũng lưu ý chuyến thăm của ông Lu tới khu vực diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á dự kiến diễn ra vào ngày 18/5 tới. Việc các quốc gia trong khu vực củng cố quan hệ với Trung Quốc cũng khiến Mỹ lo ngại.
Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu hậu Xô Viết tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng "Mỹ muốn sử dụng Trung Á làm bàn đạp chống lại cả Nga và Trung Quốc".
Theo chuyên gia này, Mỹ không có kế hoạch "mang lại sự ổn định và cũng không thể thay thế hoàn toàn" Nga và Trung Quốc trong khu vực về các vấn đề đầu tư, thương mại hoặc di cư. Rõ ràng, cả Kyrgyzstan và Tajikistan sẽ không ngừng hợp tác với Nga vì đó là vấn đề an ninh của họ.