Phát biểu với hãng thông tấn TASS ngày 25/4, ông Yermakov cho biết: "Nếu Mỹ tiếp tục đi theo hướng đối đầu với Nga, trong khi rủi ro xung đột quân sự trực tiếp gia tăng, thì số phận của Hiệp ước New START có thể chấm dứt".
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, tức là nếu Washington đẩy tình hình vào một cuộc đụng độ quân sự giữa các cường quốc hạt nhân mạnh nhất, thì không chỉ số phận của New START mà là số phận của toàn thế giới mới là điều đáng lo ngại.
Theo ông Yermakov, điều này một lần nữa khẳng định rằng mối đe dọa cấp bách nhất hiện nay không liên quan đến cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên, vốn sẽ bị kiềm chế bởi các thỏa thuận như New START, mà là nguy cơ leo thang hạt nhân do một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân với những rủi ro tiếp tục gia tăng.
"Chúng tôi tiếp tục gửi tín hiệu nghiêm túc tới phương Tây rằng cần phải ngăn chặn thảm họa xảy ra”, Giám đốc Vladimir Yermakov nói, song nhấn mạnh rằng phương Tây vẫn làm ngơ trước những lời kêu gọi từ phía Moskva.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh rằng để cải thiện tình hình, Mỹ phải ngay lập tức tiến hành các bước cụ thể để giảm leo thang và xóa bỏ đường lối thù địch nhằm phá hoại an ninh của Nga.
Trước đó một ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cảnh báo rằng tình trạng căng thẳng giữa các cường quốc đã chạm ngưỡng cao kỷ lục.
Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ do Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chủ trì, ông Guterres nhận xét thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hệ thống của những mối quan hệ đa phương, với việc căng thẳng giữa các cường quốc đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập LHQ.
Để tránh nguy cơ bùng nổ chiến tranh do rủi ro và tính toán sai lệch gia tăng, ông Guterres đã kêu gọi các nước đưa ra những giải pháp đa phương hiệu quả để ngăn chặn và giải quyết xung đột, cũng như đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế và loại bỏ những thách thức đối với việc giảm thiểu sử dụng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.