Trứng được phân loại tại trang trại ở Gaesti, Romania ngày 11/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Tamm đưa ra lời kêu gọi trên trong cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng nông nghiệp EU diễn ra từ ngày 3-5/9 tại thủ đô Tallinn của Estonia, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tamm cho biết tình trạng sức khỏe của người dân EU là rất quan trọng và Estonia sẽ coi trọng giải quyết vấn đề này. Ông hy vọng giải quyết các tình huống khủng hoảng như thế này một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Theo kế hoạch, bộ trưởng nông nghiệp các nước EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 26/9 tới để thảo luận biện pháp nâng cao an toàn thực phẩm và ngăn chặn những vụ bê bối gian lận tương tự lặp lại.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis cho biết vụ bê bối liên quan tới trứng "bẩn" nhiễm chất Fipronil đã lan tới 45 quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tallinn của Estonia, ông Andriukaitis cho biết tác động của việc sử dụng bất hợp pháp chất Fipronil đã lên tới quy mô toàn châu Âu, với hàng trăm trang trại bị đóng cửa.
Trong số 45 nước phát hiện trứng "bẩn", 26 nước thuộc EU và 19 nước ngoài khối này. Con số này gia tăng so với 35 nước bị phát hiện trứng bẩn được ghi nhận hồi tuần trước, khi hàng triệu quả trứng đã bị thu hồi tại các siêu thị ở châu Âu nhằm hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), hiện chỉ còn Croatia và Lithuania là hai nước thành viên duy nhất còn lại trong EU chưa phát hiện trứng "bẩn". 19 nước ngoài EU phát hiện trứng "bẩn" gồm Na Uy, Lichtenstein, Thụy Sĩ, Hong Kong (Trung Quốc), Liban, Qatar, Liberia, Nga, Nam Phi, Angola, Iraq, quần đảo Antilles thuộc Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mỹ, Saudi Arabia, Singapore, Israel, Canada.
Ông Andriukaitis cho biết các chuyên gia sẽ tới "tâm điểm" của vụ bê bối trứng bẩn là Bỉ, Hàn Lan, Đức và Pháp vào cuối tháng này hoặc sang tháng 10 để tìm hiểu thực tế về vụ bê bối này.
Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó nhưng bị EU cấm sử dụng cho các loại động vật chăn nuôi lấy thịt, như gà. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp. Hà Lan cũng từng là tâm điểm của vụ bê bối thực phẩm "bẩn" hồi năm 2013 với vụ thịt ngựa giả thịt bò được bày bán khắp châu Âu.