Bộ trưởng Du lịch Cuba Manuel Marrero cho biết lượng du khách tới nước này trong sáu tháng đầu năm 2016 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015- năm đánh dấu số du khách tới Cuba cao kỷ lục. Nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng này là do sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tới Cuba sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương vào tháng 12/2014.
Cuba đang trở thành "điểm nóng" du lịch mới của thế giới. |
Dự kiến, lượng du khách tới đảo quốc Caribe sẽ đông hơn sau khi các chuyến bay thương mại từ Mỹ tới Cuba bắt đầu được nối lại trong tháng Tám này. Ông Marrero cho biết Cuba dự kiến sẽ đón 3,8 triệu lượt du khách trong cả năm 2016. Theo thống kê, trong nửa đầu năm nay, 138.000 lượt người Mỹ đã tới thăm Cuba, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015, đưa Mỹ trở thành nước có số du khách đến Cuba đông thứ hai, chỉ sau Canada. Bộ trưởng Du lịch Cuba cũng khẳng định ngoài các điểm đến chính là các khu nghỉ mát nổi tiếng của Varadero, các đảo phía Bắc hay các cực của đất nước, giờ đây du lịch Cuba còn phát triển ở cả những nơi mà chỉ vài năm trước đây thôi chính người dân hòn đảo này cũng ít đặt chân tới. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Marrero cũng nhận định rằng xu hướng gia tăng lượng khách liên tục trong thời gian qua sẽ giúp Cuba năm thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục về du khách quốc tế. Trước đó, trong hai năm 2014 và 2015, lượng du khách quốc tế tới Cuba liên tiếp vượt qua các cột mốc đáng nhớ là 3 triệu lượt và 3,5 triệu lượt.
Ngành "công nghiệp không khói" được xem là ngành kinh tế năng động nhất của Cuba và là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai sau dịch vụ xuất khẩu y tế và kỹ thuật, với doanh thu chưa tính các dịch vụ đi kèm đạt 1,94 tỷ USD trong năm 2015, tăng 10,7 % so với năm trước đó.
Nền kinh tế quốc đảo Caribe này ngày càng gia tăng sự phụ thuộc vào “ngành công nghiệp không khói” khi Venezuela cắt giảm nguồn cung dầu giá rẻ, vốn được chuyển sang cho Cuba để đổi lấy các bác sỹ Cuba sang làm việc tại quốc gia Nam Mỹ này. Tháng trước, Chủ tịch Raul Castro cảnh báo rằng đà tăng trưởng kinh tế Cuba đang đối mặt với nguy cơ chậm lại đáng kể trong năm nay, giữa bối cảnh tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm chỉ đạt 1%.
Tuy nhiên, ngành du lịch phát triển cũng tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng của Cuba, ví dụ như sức chứa của khách sạn bị quá tải hay hành khách phải chờ đợi lâu tại sân bay quốc tế Jose Marti (thủ đô La Habana). Hôm 3/8 vừa qua, Chính phủ Cuba thông báo, công ty Bouygues của Pháp sẽ đảm nhận việc nâng cấp sân bay Jose Marti vào thời gian tới, trong khi công ty nhà nước Aeroports de Paris của Pháp, hiện đang điều hành các sân bay lớn của Pháp gồm Charles de Gaulle và Orly, sẽ được trao quyền điều hành hoạt động sân bay Jose Marti. Mặc dù chi tiết kế hoạch trên không được nêu rõ, song Chính phủ Cuba cho hay, sân bay Jose Marti sau khi được nâng cấp có khả năng đón hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm và đây sẽ trở thành một trong những dự án hạ tầng quan trọng nhất của Cuba, đồng thời đánh dấu thỏa thuận hợp tác lớn nhất giữa Pháp và Cuba kể từ sau chuyến thăm quốc đảo này của Tổng thống Pháp Francois Hollande hồi tháng 5/2015.