Theo trang Oddity Central (Anh), công ty này được cho là đã lắp đặt đồng hồ đếm giờ kỹ thuật số trên trần nhà vệ sinh, các cảm biến nhỏ cũng được gắn trên cửa để kích hoạt bộ đếm giờ. Ngay sau khi các bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, công ty này đã nhận về vô số bình luận chỉ trích.
Người dùng mạng xã hội chỉ trích công ty này cố tình theo dõi và tính thời gian của nhân viên văn phòng trong nhà vệ sinh để tăng năng suất và lợi nhuận của họ. Một số người cho rằng điều này vi phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân.
"Tôi sẽ không bao giờ làm việc ở một công ty giới hạn cả thời gian dùng nhà vệ sinh của nhân viên", một tài khoản Weibo nói.
"Thật sự không chấp nhận được. Không biết họ có quy định cả số lần đi vệ sinh nữa không", người dùng khác bình luận.
Tuy nhiên, những người ủng hộ ý tưởng này lại cho rằng một số nhân viên đã lợi dụng thời gian vào nhà vệ sinh để sử dụng điện thoại. Họ hiểu lý do tại sao công ty này lại phải làm như vậy.
"Tôi đã từng thấy nhiều đồng nghiệp ngồi cả tiếng trong nhà vệ sinh để trang điểm hoặc chơi game", một tài khoản viết. "Họ làm vậy để hạn chế tình trạng trốn việc trong giờ làm, tăng hiệu suất lao động".
Về phía công ty Kaishou, sau khi nhận được "mưa" chỉ trích, họ đã lên tiếng giải thích để cố gắng trấn an người dùng mạng xã hội. Trong thông cáo báo chí chính thức, công ty khẳng định việc lắp đặt đồng hồ đếm giờ không nhằm mục đích hạn chế thời gian sử dụng nhà vệ sinh của nhân viên, mà là giải pháp cho vấn đề thiếu nhà vệ sinh trầm trọng của tòa nhà.
Do văn phòng Kuaishou được cho là thiếu phòng vệ sinh vì cấu trúc của tòa nhà, công ty cho biết họ đã quyết định lắp đặt bộ đếm thời gian để xem có bao nhiêu người đã sử dụng một buồng vệ sinh và trong bao lâu. Từ đó, họ có thể xác định cần bố trí thêm bao nhiêu nhà vệ sinh di động để đủ chỗ cho nhân viên.
"Hiện tại số lượng nhà vệ sinh ở công ty rất hạn chế, nhân viên phải xếp hàng dài để đi vệ sinh, tuy nhiên do cấu trúc của tòa nhà nên rất khó để bố trí thêm số lượng nhà vệ sinh. Chúng tôi đang xem xét bố trí nhà vệ sinh di động và việc lặp đặt đồng hồ chỉ để phục vụ một khảo sát nhỏ", đại diện công ty cho biết.
Mặc dù lời giải thích có phần hợp lý, nhưng nhiều người dùng mạng xã hội vẫn cho rằng công ty chỉ quan tâm đến việc tăng lợi nhuận của mình bằng mọi cách cần thiết. Vì trên thực tế một số doanh nghiệp khác cũng từng đưa ra quy định giới hạn số lần và thời gian đi vệ sinh của nhân viên.
Việc giám sát sử dụng nhà vệ sinh của nhân viên không phải là chuyện chưa từng thấy ở Trung Quốc. Tờ Apple Daily (Hong Kong) trước đây cũng đưa tin một công ty ở Thượng Hải đã giới hạn thời gian sử dụng nhà vệ sinh của nhân viên chỉ trong 10 phút mỗi ngày, trong khi có nhiều công ty khác cũng giám sát thời gian nhân viên vào nhà vệ sinh của nhân viên.
Tháng 9 vừa qua, một nữ nhân viên Nhật Bản đã khởi kiện công ty TV Tokyo Seisaku vì hành vi quấy rối tại nơi làm việc dưới hình thức giới hạn số lần đi vệ sinh và các quy định không chính đáng khác từ cấp trên.
Năm 2014, nhân viên của công ty WaterSaver Faucet ở Chicago cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia khi công ty kỷ luật 19 công nhân vì "sử dụng nhà vệ sinh quá nhiều lần".
Bộ phận nhân sự của công ty mô tả việc công nhân sử dụng nhà vệ sinh 6 phút trong một ngày làm việc là "quá nhiều". WaterSaver Faucet còn đưa ra quy định thưởng tiền 20 USD nếu nhân viên không sử dụng nhà vệ sinh trong một tháng. Những quy định vô lý này đã nhận phải sự phản đối gay gắt của người lao động và cả dư luận xã hội.