Chung tay chặn cháy rừng

“Bóng ma” khói bụi đã trở lại Đông Nam Á, gây ra cuộc khủng hoảng khói bụi tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khói bụi từ các vụ cháy rừng ở Indonesia cũng trở thành nguyên nhân của các cuộc khẩu chiến qua lại giữa các nước. Những lời xin lỗi đã được đưa ra, nhưng vấn đề là làm sao để dập tắt các đám cháy cũng như về lâu dài không để khủng hoảng này lặp lại.


Câu thành ngữ “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại” hẳn không thích hợp để ví von với những gì đang xảy ra tại mấy nước láng giềng Đông Nam Á trong tháng 6 này. Những vụ cháy rừng từ quốc gia vạn đảo Singapore đã gây ra màn khói mù độc hại bao phủ toàn phần đất nước Singapore nhỏ bé lẫn nhiều phần của Malaysia láng giềng. Singapore vốn tự hào là một trong những nước “sạch sẽ” nhất thế giới bỗng chốc trở thành nỗi e ngại của nhiều du khách quốc tế khi mức độ ô nhiễm khói bụi tăng lên mức cao kỷ lục. Cuộc sống của hàng triệu cư dân bị đảo lộn bởi khói bụi. Các dịch vụ du lịch, hàng không, tổ chức hội nghị vốn là “sở trường” của quốc đảo sư tử bị đình đốn gây thiệt hại kinh tế lớn.


Nhân viên cứu hỏa Indonesia nỗ lực khống chế đám cháy rừng ở tỉnh Riau, trên đảo Sumatra ngày 23/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Khói bụi từ các vụ cháy rừng trên đảo Sumatra của Indonesia cũng theo gió lan tới Malaysia và thậm chí tới cả các nước xa hơn trong khu vực như Thái Lan và Việt Nam. Chất lượng không khí tại Malaysia được đánh giá ở mức “độc hại” nhất trong 16 năm trở lại đây. Trong hai ngày liên tiếp, chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao nguy hiểm tại cảng tấp nập nhất nước là Cảng Klang nằm trên Eo biển Malacca trông ra Sumatra. Chất lượng không khí tại 5 quận khác, phần lớn nằm ở miền trung Malaysia gần thủ đô Kuala Lumpur, được xếp ở mức “rất không lành mạnh”. Hàng trăm trường học đã phải đóng cửa trong vài ngày và dù được mở lại sau đó thì các học sinh và giáo viên cũng được khuyến cáo không tham gia các hoạt động ngoài trời để tránh ô nhiễm khói.


Cuộc khủng hoảng khói bụi thậm chí đã khơi ngòi cho một cuộc khẩu chiến giữa Giacácta và các hàng xóm của họ. Là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giới chức Singapore và Malaysia đã liên tục hối thúc nhà chức trách Inđônêxia có biện pháp dứt điểm để xử lý các đám cháy, và đưa những đối tượng gây cháy ra pháp luật. Đáp lại, một bộ trưởng của Inđônêxia đã chỉ trích Singapore hành động “như trẻ con” và rằng chính các công ty dầu cọ từ Singapore và Malaixia hiện đang điều hành các trang trại trên đảo Sumatra cũng phải gánh một phần trách nhiệm.


Nỗ lực “dịu tình hình”


Trước những căng thẳng trên, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono với mong muốn làm dịu tình hình đã lên tiếng xin lỗi công khai cuối ngày 24/6. "Với tư cách tổng thống Indonesia, tôi xin lỗi về những gì đã xảy ra và mong nhân dân hai nước Malaysia và Singapore thông cảm", ông nói. Ông khẳng định Indonesia hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này và cam kết sẽ dập tắt tất cả các điểm cháy rừng ở nước này bằng cách áp dụng công nghệ làm mưa nhân tạo, đồng thời huy động các lực lượng phòng cháy chữa cháy trên mặt đất bao gồm cả các lực lượng vũ trang.


Những ngày cuối tháng 6/2013, người dân Xingapo nào cũng phải đeo khẩu trang tránh khói bụi. Ảnh: AFP/TTXVN


Sau lời xin lỗi của người đứng đầu nhà nước Indonesia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Indonesia, Malaysia và các nước khác trong khu vực để giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan tới khói mù. Thông báo ra ngày 25/6 của Văn phòng Thủ tướng Singapore nêu rõ “Chúng tôi toàn tâm chấp nhận lời xin lỗi của Tổng thống. Tôi hoan nghênh Tổng thống Yudhoyono đã hứa sẽ làm hết sức mình để giải quyết vấn đề nghiêm trọng, làm cho người dân của các nước Singapore, Malaysia và Indonesia cùng phải chịu đựng”.


Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak cho biết sẽ gửi công văn đến Tổng thống Indonesia Yudhoyono để đề nghị hợp tác thực thi các biện pháp hiệu quả hơn nhằm trừng phạt những đối tượng liên quan đến tình trạng khói mù. Thủ tướng Najib cho biết các biện pháp của chính phủ Malaysia để giải quyết vấn đề khói mù đã trở thành hoạt động hàng năm. Malaysia sẽ cung cấp máy bay phun nước để hỗ trợ Inđônêxia dập tắt các đám cháy.


Cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia cho biết khoảng 2.300 lính cứu hỏa đã có mặt tại tỉnh Riau, nơi tập trung nhiều đám cháy, từ nhiều ngày qua nhằm đối phó với giặc lửa. Bên cạnh lực lượng chữa cháy hùng hậu này, cơ quan chức năng Indonesia cũng sử dụng cả trực thăng và máy bay chở “bom nước” dội xuống các đám cháy và phun hóa chất gây mưa nhân tạo. Tuy nhiên, một quan chức cơ quan thảm họa quốc gia cho biết các nỗ lực dập lửa tại Riau cho đến nay chưa mấy hiệu quả và trong mấy ngày tới đây, hơn 3.000 nhân viên khẩn cấp, bao gồm cả binh sĩ quân đội và cảnh sát, sẽ được điều động bổ sung tới tỉnh Riau để tham gia công tác chữa cháy và giúp những người bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả.


Khói bụi từ Sumatra là vấn đề tái đi tái lại trong mùa khô từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, khi các công ty lớn và cả các hộ nông trại nhỏ đốt rừng làm rẫy, một cách thức ít tốn kém song bất hợp pháp để lấy đất trồng trọt. Cuộc khủng hoảng khói bụi tồi tệ nhất Đông Nam Á xảy ra vào các năm 1997 - 1998, gây thiệt hại hàng tỉ USD cho nền kinh tế khu vực do hoạt động thương mại và hàng không bị gián đoạn nhiều tuần. Đợt khủng hoảng khói bụi gần đây nhất xảy vào năm 2006. Mức độ khói bụi dày đặc từ các vụ cháy rừng năm nay cho thấy Indonesia vẫn chưa có được cách thực hữu hiệu để ngăn chặn nạn đốt rừng làm rẫy bất hợp pháp ở một đất nước có “thâm niên” quản lý rừng lộn xộn này.


“Núi” thách thức


Cuộc khủng hoảng khói bụi cũng mang đến một hình ảnh tiêu cực hơn cho các công ty dầu cọ lớn của cả ba nước Inđônêxia, Xinhgapo và Malaixia - là những công ty bị tố cáo đã phá đi những dải đất rừng bao la trên đảo Sumatra, mặc dù các công ty này khăng khăng rằng họ thực hiện rất nghiêm ngặt chính sách “cấm đốt”.


Các công ty này bị cáo buộc đã châm ngòi nhiều vụ cháy để lấy đất trồng cọ. Cho đến nay, hình thức này vẫn là rẻ tiền hơn nhiều so với dùng các máy ủi hay máy xúc. Trong khi các nhóm môi trường đang đi đầu trong việc tố cáo các công ty này, họ cũng nói rằng các vấn đề như vậy sẽ không xảy ra thường xuyên nếu như Indonesia thực hiện nghiêm ngặt quy định cấm đốt rừng lấy đất.


Theo ông Anwar Purwoto, giám đốc chương trình rừng thuộc Quỹ Bảo vệ Tự nhiên (WWF) Inđônêxia, văn bản luật này không được thực hiện nghiêm túc do những lỗ hổng về năng lực, ví như sự thiếu nhân viên kiểm lâm. “Chúng tôi cần cam kết chính trị cao cũng như ý chí chính trị từ cả chính quyền trung ương và địa phương”, ông nói.


Một nhà hoạt động bảo vệ rừng làm việc cho tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng các chính phủ cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các vụ đốt rừng vì rõ ràng chúng là bất hợp pháp. Tuy vậy, một quan chức cao cấp Bộ Lâm nghiệp Inđônêxia, ông Hadi Daryanto, nói rằng việc ngăn chặn các vụ cháy như vậy không chỉ đơn giản bằng việc thực hiện luật. Thực tế không chỉ có các công ty lớn châm lửa đốt các cánh rừng nguyên sinh để nhanh chóng có lợi nhuận mà cả các hộ sở hữu rừng nhỏ cũng đốt rừng. Như ông Purwoto đã chỉ ra, nhiều điểm cháy tại tỉnh Riau trên thực tế nằm trên những mảnh khoảng đất do dân cư địa phương sở hữu chứ không phải của các công ty lớn. Bởi vậy, ông cho rằng cả cộng đồng dân cư và các công ty tư nhân đều phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.


Thất bại trong việc xử lý các vụ đốt rừng lấy đất cũng phản ánh một phần trong “núi” thách thức mà Inđônêxia đang phải đối mặt trong việc bảo vệ các cánh rừng nhiệt đới. Quốc gia vạn đảo này có tới hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ và quyền lực lại phi tập trung nặng nề, dẫn tới sự lộn xộn trong công tác quản lý rừng.


Trong khi chính phủ trung ương đã đạt được một số thành tích, đáng chú ý là một văn bản luật về việc cấp giấy phép mới cho việc khai thác gỗ ở rừng nguyên sinh, thật khó để kiểm soát những gì đang diễn ra trong rừng và các trường hợp vi phạm luật. Nạn tham nhũng vốn là một “bệnh dịch” ở Indonesia cũng xuất hiện trong lĩnh vực lâm nghiệp và cấp phép khai thai lâm sản. Ngay tại tỉnh Riau, tỉnh trưởng tỉnh này cũng vừa bị bắt vì cáo buộc tham nhũng, trong đó có những cáo buộc liên quan việc cấp phép khai thác gỗ. Theo các nhà phân tích, bên cạnh việc Chính phủ Indonesia cần thực hiện các điều luật mạnh mẽ hơn thì họ cũng cần phải tìm ra cách thức phi tập trung hóa hoạt động một cách hiệu quả nhất để đối phó với các thách thức của nền kinh tế đang nổi này.


Đỗ Sinh

Cháy rừng dữ dội ở Mỹ
Cháy rừng dữ dội ở Mỹ

Một vụ cháy rừng lớn đã xảy ra tại khu vực ngoại ô thành phố Los Angeles (Mỹ) buộc nhà chức trách phải phong tỏa tuyến đường cao tốc ven biển nổi tiếng của bang California trong khi hàng trăm dân cư sống quanh đó phải sơ tán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN