Mạng tin môi trường Ecodiario.es vừa trích dẫn một nghiên cứu của Viện Khí hậu Australia cảnh báo tới năm 2050, một nửa diện tích trồng cà phê, loại cây mang lại đồ uống thuộc hàng thông dụng nhất thế giới, sẽ mất khả năng canh tác do nhiệt độ tăng cao và sự lây lan của các loại nấm và sâu bệnh độc hại.
Cụ thể, dưới tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh nấm roya đã bắt đầu xuất hiện tại Colombia, nơi trước đây chúng không thể tồn tại do có nhiệt độ thấp hơn các vùng trồng cà phê Trung Mỹ. Trước đó, năm 2012, dịch bệnh nấm roya lây lan tại các trang trại cà phê Trung Mỹ gây ra thiệt hại ước tính 500 triệu USD.
Bên cạnh đó, dưới tác động của hiện tượng thời tiết El Niño, loại bọ cánh cứng broca, có tên khoa học là Hypothenemus hampei và bị coi là kẻ thù nguy hại nhất của cây cà phê, đã và đang lan rộng ở mức độ đáng báo động và bắt đầu tấn công các nông trại trước đây vẫn được coi là an toàn, đặc biệt là tại Colombia.
Theo nghiên cứu, thuộc diện nguy hiểm đặc biệt là loại cà phê chè (arabica) được trông phổ biến tại Trung Mỹ và Colombia.
Ecodiario cho biết hiện có khoảng 120 triệu người tại hơn 70 quốc gia trên thế giới lao động trong ngành cà phê.