Dưới khung thành, anh Abdul bật nhảy và cố rướn tay để bắt bóng, người anh ngã nhoài xuống mặt đất khô cứng, nóng giãy. Tại Kano, thành phố ở miền bắc Nigeria, Abdul đang hết mình thi đấu môn thể thao có tên gọi bóng đá ván trượt dành cho các cầu thủ là bệnh nhân bại liệt. Giống như nhiều đồng đội khác, Abdul đã gặp phải cơn ác mộng bại liệt từ khi còn nhỏ.
Hiện nay, cứ vài ngày trong tuần, Abdul lại chăm chỉ di chuyển từ ở vùng ngoại ô nghèo Gayaw tới trung tâm thành phố Kano rồi lăn lộn trên vỉa hè gồ ghề, đầy đất đỏ để luyện tập. Đảm nhiệm vị trí thủ môn, Abdul không cần dùng đến ván trượt như các đồng đội khác, anh đơn giản chỉ cần giữ thăng bằng và giữ sạch lưới.
Abdul (ngoài cùng bên phải) hứng khởi thi đấu cùng các đồng đội. |
Abdul chia sẻ: “Bệnh nhân bại liệt ở Nigeria luôn gặp khó khăn. Đất nước này vẫn còn rất nhiều khó khăn và tất cả chúng tôi đều bị lãng quên. Rất khó để kiếm việc làm và có thu nhập”. Nhưng không vì thế mà Abdul trở thành gánh nặng mà thậm chí còn hỗ trợ gia đình bằng khoảng tiền nhỏ anh kiếm được trong một tháng chơi bóng đá ván trượt.
Cách sân vận động vài mét, một kho hàng được tận dụng làm phòng tập dã chiến cho các cầu thủ. Trong không gian nhỏ hẹp, mọi người đều thể hiện quyết tâm và chăm chỉ rèn luyện. Trên tường là dòng chữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Đối với những cầu thủ mắc bệnh bại liệt này, bóng đá ván trượt đã trở thành nguồn sức mạnh và tự do của họ.
Ở một vị trí nào đó, giữa trái bóng, ván trượt và mặt sân cứng những cầu thủ mắc bệnh bại liệt này đã có khoảng không của riêng mình. Một đồng đội của Abdul có tên Sanusi (33 tuổi) đã có 6 năm “quần đùi áo số”, nhìn đăm chiêu ra ngoài cửa sổ rồi chia sẻ: “Bóng đá ván trượt đòi hỏi sự cống hiến. Chúng tôi cần có thể trạng tốt và cố gắng ‘né’ thương tích mặc dù đôi khi điều đó là không thể tránh khỏi”.
Được sáng lập năm 1988 bởi Misbahu Lawan Didi - một bệnh nhân bại liệt, bóng đá ván trượt đã gây được chú ý và phát triển sang nhiều quốc gia khác ở lục địa đen. Abdul và Sanusi đã từng có cơ hội thi đấu cọ xát với các đội bóng đá ván trượt của Niger, Cameroon và Ghana.
Huấn luyện viên có 18 năm kinh nghiệm với bóng đá ván trượt - ông Ibrahim nhận định: “Môn thể thao này tạo cơ hội để những bệnh nhân bại liệt được thay đổi, tự tin vào chính mình một lần nữa”. Huấn luyện viên Ibrahim giải thích rằng “bóng đá đã nằm trong DNA của người Nigeria” và “đó là điều đã khiến cả đất nước cùng đoàn kết”.
Với tình cảm đặc biệt, ngay cả những cầu thủ giải nghệ cũng tiếp tục cống hiến cho đội bóng. Điển hình như anh Rabim Lawan (34 tuổi) đã làm đội trưởng trong 13 năm, nhận thấy nhiều đồng đội ngay cả một chiếc xe lăn tốt cũng không có, Abdullhahi Lawna quyết định mở xưởng sản xuất xe lăn đặc biệt. Anh Lawan nói: “Đối với những bệnh nhân bị bại liệt thì ngoài các quỹ từ thiện, họ cũng cần được hỗ trợ giáo dục và việc làm”. Đằng sau cửa hàng của mình, Lawna còn dành riêng một không gian nhỏ làm nơi ở cho 10 bệnh nhân bại liệt vô gia cư.
Không chỉ dừng lại ở Nigeria, tại Accra (Ghana), anh Albert Frimpong, người vừa đóng vai trò huấn luyện viên và người tài trợ cho đội bóng ván trượt địa phương thổ lộ rằng môn thể thao này không chỉ là giải trí, đó còn là phương thức để những người mắc bệnh bại liệt nơi đây không còn phải ăn xin trên đường và còn là nguồn tạo thu nhập cho họ.
Bóng đá ván trượt còn đóng vai trò “đại sứ” giúp công chúng quan tâm hơn đến bệnh bại liệt và việc tiêm vaccin. Trong tháng 10/2015, Liên đoàn bóng đá ván trượt Nigeria đã tổ chức giải thi đấu quốc gia lần thứ 3 nhân Ngày bại liệt thế giới (24/10). |