Giáo hoàng Benedict XVI đã từ nhiệm ngày 28/2 vừa qua, kết thúc 8 năm lãnh đạo giáo dân Công giáo trên toàn thế giới. 8 năm đảm đương trọng trách Giáo hoàng, một trong những danh hiệu mà Benedict XVI nhận được và cũng không ngờ được nhận có lẽ là “Giáo hoàng xanh” nhờ những nỗ lực của ông trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Hơn 1.000 tấm kính mặt trời được lắp đặt tại Tòa thánh Vatican. Ảnh: Internet |
Nhìn lại lịch sử của Vatican, có thể thấy Benedict không phải là vị giáo hoàng đầu tiên chú trọng đến các vấn đề môi trường. Năm 1990, Giáo hoàng John Paul II đã từng kêu gọi các tín đồ bảo vệ thiên nhiên. Trước thời điểm Giáo hoàng Benedict XVI nhận chức vào năm 2005, quan tâm đến môi trường đã là một phần quan trọng trong đức tin của nhà thờ Công giáo. Nhưng đến lượt mình, ông đã để lại dấu ấn bằng việc nâng nó lên một tầm cao mới. Ông đưa ra những bài giáo huấn và diễn văn yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới nhìn nhận các vấn đề môi trường một cách nghiêm túc. Vào ngày Hòa bình Thế giới năm 2010, ông nói: “Nếu chúng ta muốn công bằng và hòa bình, chúng ta phải bảo vệ môi trường sống đang dung nạp chúng ta.” Không lâu sau đó, Học viện Khoa học Giáo hoàng đã công bố một bản báo cáo về biến đổi khí hậu trong đó yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới cắt giảm lượng khí thải C02, xử lí những vấn đề ô nhiễm đang tồn tại…
Tại Tòa thánh Vatican, Benedict XVI thông qua kế hoạch bao phủ hội trường Paul VI bằng các tấm kính năng lượng mặt trời với số lượng đủ để cung cấp năng lượng cho việc thắp sáng, đốt nóng và làm mát một phần Vatican. Ông còn cho phép ngân hàng của Vatican mua chỉ tiêu khí thải cácbon thông qua việc cung cấp vốn tạo rừng ở Hungary, biến Vatican trở thành quốc gia có lượng khí thải carbon tương đương với lượng hấp thụ. Nhiều năm sau đó, ông bắt đầu sử dụng loại xe “lai” dùng cả điện lẫn xăng để đi lại.
Những động thái của giáo hoàng Benedict không chỉ dừng lại ở góc độ tuyên truyền cho hình ảnh của Vatican. Walter Grazer, một cố vấn của tổ chức phi chính phủ Đối tác Tôn giáo Quốc gia vì Môi trường (NRPE) nói: “Giáo hoàng đã dành nhiều tâm huyết cho vấn đề môi trường, với ông đó là một vấn đề lớn”. Tâm huyết dành cho môi trường giúp tăng ảnh hưởng của Giáo hoàng Benedict XVI, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu đưa các bài giảng đến gần hơn với các vấn đề của cuộc sống hiện đại.
Cựu giáo hoàng Benedict XVI. Ảnh: Internet |
Bên cạnh đó, Benedict XVI còn tiếp cận các cuộc tranh luận về môi trường ở khía cạnh đạo đức. Ông cho rằng ý nghĩa của việc thay bóng đèn tiết kiệm điện hay bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã không nằm ở vấn đề tiền bạc mà là một nghĩa vụ tôn giáo.
Không chỉ dừng lại ở góc độ tâm linh, Giáo hoàng Benedict còn chú trọng đến việc biến đổi khí hậu sẽ tác động như thế nào đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là của người nghèo. Ông khẳng định những nước tạo ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất không phải là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, từ việc nước biển dâng lên cho đến các cơn bão kinh hoàng và cả sự khan hiếm nguồn nước.
Benedict XVI đã đi vào lịch sử của Vatican. Giờ đây, khi nhìn lại những cống hiến của ông, có lẽ thế giới sẽ không đếm có bao nhiêu tấm pin mặt trời ở Tòa thánh Vatican hay bao nhiêu lít xăng đã được tiết kiệm, mà nhìn vào việc Giáo hoàng Benedict XVI đã tận dụng sức mạnh của các nhà thờ trên toàn thế giới để đưa ra những hành động thiết thực, nâng cao nhận thức về môi trường như thế nào.
Anh Minh (Theo National Geographic)