Trong vòng hơn 40 năm qua, theo số liệu thống kê của Văn phòng phòng chống tự tử Nhật Bản, ngày càng có nhiều học sinh chọn ngày 1/9 để kết thúc mạng sống của mình thay vì các thời điểm khác trong năm. Nguyên nhân chính tạo nên con số đáng kinh ngạc này là do đây là thời điểm học sinh đã kết thúc kỳ nghỉ hè và bước vào một năm học mới.
Số liệu thống kê của Văn phòng phòng chống tự tử Nhật Bản trong 40 năm qua. |
Kỳ nghỉ hè luôn là khoảng thời gian thoải mái cho các bạn học sinh, đặc biệt là đối với những người phải bị chịu tình trạng bắt nạt tại trường học, vì họ được phép nghỉ ngơi ở nhà. Tuy nhiên, khi hết mùa hè, một năm học mới lại bắt đầu, các em học sinh đó phải quay lại trường học, và lo lắng về việc mình sẽ bị ức hiếp, từ đó nghĩ quẩn dẫn đến quyết định tự tử.
Em Nanae Munemasa (17 tuổi) là một nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường. Khi đến lớp, em bị các bạn nam trêu chọc, dùng chổi gậy đuổi đánh, thậm chí trong giờ học bơi, bọn họ cùng nhau ức hiếp khiến Nanae luôn là người cuối cùng ra khỏi hồ bơi, thậm chí có lần suýt chết đuối. Hiện Nanae đã bỏ học, song ký ức đau buồn vẫn còn đeo bám cô, khiến cô từng có ý định tự tử. Tuy nhiên, Nanae cho biết em đã không thể tự làm những việc tổn hại đến bản thân mình như “cắt cổ tay” vì sẽ khiến bố mẹ đau lòng cũng như nghĩ đến việc cái chết không giải quyết được vấn đề gì. Chính vì vậy, Nanae đã quyết định nghỉ học gần 1 năm nay. Mẹ cô bé cũng đồng tình với cách giải quyết của con gái. Nanae đang tính trở lại trường học, và cô muốn giúp các bạn học sinh bị bắt nạt bằng cách chia sẻ những cảm xúc cô đã trải qua trên trang mạng cá nhân.
Trong khi nghỉ ở nhà, Nanae dành thời gian cho việc kết bạn trên Internet. Việc này đã giúp cô phần nào lấy lại được sự tự tin của mình. “Mọi người nói mạng xã hội nguy hiểm, những thực sự đối với một vài đứa trẻ, Internet dường như là chiếc phao cứu vớt cuộc đời chúng”, mẹ cô bé cho biết.
Nhật Bản là một trong các quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, với độ tuổi người tìm đến cái chết phần lớn nằm từ 15 đến 39 tuổi. Nanae nghĩ hệ thống giáo dục Nhật Bản tập trung vào tư duy tập thể là nguyên nhân chính gây ra nạn bạo lực học đường. “Ở Nhật Bản, nếu tỏ ra khác biệt với những người khác thì bạn sẽ bị bỏ lơ hoặc bị bắt nạt", Nanae chia sẻ.
Để nâng cao nhận thức về vấn đề này, một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản Futoko Shimbun thậm chí còn in một tập san dành cho những học sinh ở nhà vì bị bắt nạt. Keiko Okucho – một trong những đại diện của tổ chức cho biết nạn bạo lực học đường càng trở nên nghiêm trọng hơn nền văn hóa cho rằng trường học là sự lựa chọn duy nhất để nuôi dạy thành người đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Nhật. Cô nói "trường học là địa ngục sống cho những em học sinh bị bắt nạt, chúng không biết đi đâu về đâu ngoại trừ việc phải đến trường và chịu những nỗi đau thể xác cũng như tinh thần do những kẻ bắt nạt gây ra".