Theo đó, từ nay tới cuối năm, các đơn vị xây dựng các biện pháp, kế hoạch cụ thể trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp; nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả để phòng chống có hiệu quả, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Trước mắt, các địa phương cần kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các vụ gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ phòng, chống COVID-19. BCĐ các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, sỹ quan có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo nội bộ trong sạch vững mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389 Quốc gia cũng yêu cầu Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia tham mưu cho BCĐ 389 Quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành; đồng thời đôn đốc hoạt động của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo BCĐ 389 Quốc gia, do COVID-19 diễn biến rất phức tạp, lây nhiễm qua đường tiếp xúc nên môi trường kinh doanh thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính… phát triển mạnh, được người dân lựa chọn, giúp cho việc mua bán, trao đổi, thanh toán dễ dàng. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng lợi dụng phương thức kinh doanh này để gian lận thương mại, mua bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trong những tháng qua, trên tuyến biển, tình hình tội phạm, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, tập trung vào những mặt hàng có lợi nhuận cao như: Dầu DO, than, hàng thủy sản, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh.
Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu. Trong thị trường nội địa, hàng lậu, hàng cấm, hàng giả đưa vào nội địa giảm, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới chống dịch bệnh COVID-19.
Một số đối tượng còn đặt hàng sản xuất giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập lậu về tiêu thụ trong nước; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Trong tháng 7/2021 toàn ngành Hải quan bắt giữ, xử lý tổng số 1.321 vụ, trị giá hàng vi phạm ước tính 99,536 tỷ đồng; so với cùng kỳ 2020 tăng 15,07% số vụ vi phạm, trị giá hàng vi phạm giảm 11,04%, trong đó có 17 vụ buôn lậu, tăng 54,55%.