“Các sản phẩm phụ tùng và thiết bị xe máy của các thương hiệu quen thuộc của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam như: Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM được bán trên mạng nhiều với đủ loại mức giá. Trong đó, rất nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu có tiếng hoặc không xác minh được nguồn gốc. Hành vi xâm phạm quyền trên website bán hàng thường thể hiện dưới dạng dùng trái phép nhãn hiệu đang được bảo hộ của tổ chức/cá nhân khác trên website hay các nội dung, bài đăng trên website và đăng tải hình ảnh sản phẩm là sản phẩm giả hoặc nhái trên website”, bà Đại Khả Quỳnh cho biết.
Thời gian qua, các thành viên của VAMM đã phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Trong đó, dầu giả hơn 2.000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, các vụ việc được cơ quan chức năng xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Ông Dương Đức Duy, Trưởng ban quản lý dự án Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông than thở: Sản phẩm bóng đèn LED của công ty đang bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường và được chào bán trong các hệ thống phân phối với giá thấp, chế độ chiết khấu hấp dẫn. Điều này không những ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp mà người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền lớn nhưng không được sử dụng sản phẩm có giá trị, chất lượng tương đương.
“Với sự phát triển nhanh của công nghệ, hình thức vi phạm online đang diễn ra rất mạnh. Các đối tượng thậm chí xây dựng website riêng, sử dụng hình ảnh của công ty nhưng khi giao hàng cho đại lý phân phối lại là sản phẩm khác, kém chất lượng. Ngoài ra, một số đối tượng tuyển đại lý bán hàng qua mạng xã hội, chào bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử”, ông Dương Đức Duy cho biết. Mặc dù đã có sự vào cuộc của Cục Sở hữu trí tuệ và công ty luật, nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm với thủ đoạn đối phó tinh vi như làm theo thời vụ và thay đổi mẫu mã liên tục.
Ông Dương Đức Duy đề xuất: Nhà nước cần bổ sung hình phạt nặng để răn đe các đối tượng vi phạm, bởi hiện nay cơ chế xử phạt hành chính theo giá trị sản phẩm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, cần có chế tài rõ ràng, hình thành cơ chế quản lý giám sát đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp trên môi trường thương mại điện tử. Cùng với đó, các doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hệ luỵ của hàng giả, hàng nhái.
Mặc dù việc hợp tác chống hàng giả, hàng lậu là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của doanh nhưng theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc hàng hoá bị làm giả. “Khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả lại từ chối hợp tác”, bà Phan Thị Việt Thu băn khoăn.
Để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả tuồn vào nội địa, ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho rằng: Các doanh nghiệp bị giả mạo sản phẩm cần phản ánh mạnh mẽ đến cơ quan chức năng cũng khuyến nghị với người tiêu dùng; qua đó, thúc đẩy các cấp, các ngành cùng vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Để công tác chống hàng lậu, hàng giả hiệu quả rất cần sự chung tay, tập trung của các lực lượng. Đánh giá về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho biết: Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị trên thế giới đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường; lạm phát gia tăng, đẩy giá cả các loại hàng hóa trên thị trường toàn cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu tăng cao, khan hiếm, khó kiểm soát, đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam.
Song song với đó, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với hàng cấm, như: Ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hàng hóa khan hiếm trên thị trường như: Khoáng sản, xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trở lại trên các tuyến, địa bàn trong cả nước như: Tuyến biên giới đất liền Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ; vùng biển Đông Bắc, Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và các địa bàn nội địa các tỉnh, thành phố Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam bộ.
Theo thống kê của ngành Hải quan, tính đến ngày 15/10, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 13.720 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng; số thu ngân sách Nhà nước đạt 265,841 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ… Hoạt động buôn lậu, hàng giả phức tạp đã ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, thất thu thuế của nhà nước; thương hiệu, lợi ích của nhiều doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.