Hiểm họa từ hàng giả và lỗ hổng quản lý chuỗi cung ứng
Cuối tháng 6/2025, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và triệt phá vụ sản xuất sữa bột giả mang nhãn hiệu "Hiup" với quy mô lớn. Sản phẩm được đóng gói tinh vi, phân phối qua các kênh bán lẻ chính thống và được quảng bá bởi người nổi tiếng lẫn chuyên gia dinh dưỡng, khiến người tiêu dùng dễ dàng lầm tưởng là hàng thật.
Chị Hải Yến, ngụ tại phường Phước Long (TP Hồ Chí Minh) không khỏi lo lắng khi biết tin sản phẩm mình đang dùng lại là hàng giả. “Tôi từng tin vào lời giới thiệu của một bác sĩ nổi tiếng trên mạng và mua loại sữa này cho con uống suốt hai tháng. Giờ nghe tin là hàng giả, tôi cảm thấy bất an và mất niềm tin vào cả những thương hiệu được cho là lớn như này", chị Yến cho biết.
Không chỉ sữa, nhiều sản phẩm thiết yếu khác cũng là mục tiêu của hàng giả trong thời gian dài.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả qui mô lớn. Ảnh: TTXVN phát
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các đối tượng đã lợi dụng cơ chế "doanh nghiệp tự công bố chất lượng" cùng hoạt động quảng cáo tràn lan để đưa hàng giả len lỏi vào thị trường chính thống. Hậu kiểm chưa đủ mạnh, trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn dễ tin vào quảng cáo, chuộng giá rẻ, khiến hàng giả có thêm "đất sống".
Số liệu Bộ Công Thương cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý hơn 50.000 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thu ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng; khởi tố gần 1.900 vụ với hơn 3.200 đối tượng. Trong tháng cao điểm từ 15/5 đến 15/6/2025, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý trên 10.400 vụ việc, tạm giữ hàng hóa trị giá gần 4.000 tỷ đồng.
Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi khiến người dùng khó phân biệt thật, giả. Ảnh minh hoạ
Tại thành phố Hà Nội, gần 9.600 vụ vi phạm bị xử lý, thu về ngân sách 2.100 tỷ đồng và khởi tố hơn 115 vụ án hình sự. Còn tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã xử lý gần 7.800 vụ việc, trong đó hơn 600 vụ liên quan đến hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, với tổng giá trị vi phạm lên tới khoảng 150 tỷ đồng.
"Sản phẩm giả kém chất lượng gây rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống và dược phẩm. Nó cũng gây xói mòn niềm tin xã hội và tổn hại đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất chân chính", Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam nhận định.
Cũng theo ông Hùng, doanh nghiệp hiện nay phải tự đầu tư bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và theo đuổi các vụ kiện tụng phức tạp, trong khi đối tượng làm giả gần như không phải chịu chi phí nào. Sự chênh lệch này tạo ra môi trường cạnh tranh phi lý và khiến hàng giả ngày càng tinh vi hơn trong cách thức xâm nhập chuỗi cung ứng.
“Nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng không chỉ là giải pháp ứng phó với hàng giả, mà còn là chiến lược sống còn để doanh nghiệp giành lại lòng tin người tiêu dùng và xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững”, Tiến sĩ Hùng nhấn mạnh:
Dưới góc độ thực thi, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục quản lý và phát triển thị trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Một số doanh nghiệp thực hiện đầy đủ giấy tờ kinh doanh để che đậy vi phạm, chỉ phát hiện khi kiểm nghiệm; thủ đoạn thay tên sản phẩm để trà trộn nên khâu hậu kiểm rất quan trọng”.
Ông Linh cũng cảnh báo, nếu khâu kiểm tra sau công bố không được thực hiện chặt chẽ thì hàng giả vẫn có thể len vào chuỗi cung ứng chính thống một cách dễ dàng, bất chấp công nghệ hay nhãn mác bên ngoài.
Công nghệ truy xuất và vai trò người tiêu dùng
Trong bối cảnh hàng giả ngày càng tinh vi, các chuyên gia cho rằng, công nghệ là công cụ hữu hiệu để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là công nghệ blockchain và bao bì chống giả. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu triển khai giải pháp này trên các sản phẩm thiết yếu như gạo, sữa, nước mắm. Người tiêu dùng có thể quét mã QR trên bao bì để kiểm tra thông tin về xuất xứ, đơn vị sản xuất và lịch sử vận chuyển.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Lam, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam, blockchain giúp lưu trữ thông tin sản phẩm một cách minh bạch, không thể chỉnh sửa. “Blockchain kết hợp cùng mã QR giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất hành trình sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, qua đó hạn chế khả năng hàng giả len lỏi vào chuỗi cung ứng chính thức”, ông Lam phân tích.
Bên cạnh blockchain, các giải pháp bao bì chống giả như băng keo niêm phong, vòng co định hình, nhãn cảm ứng, tem bảo mật, mã vạch động hay nhãn dán an ninh đặc biệt cũng đang được ứng dụng. Với các mặt hàng có giá trị cao, nhiều doanh nghiệp đang tích hợp chip RFID hoặc NFC để người dùng xác thực sản phẩm chính hãng bằng điện thoại thông minh.
Đáng chú ý, công nghệ in thủy vân số, vốn từng được dùng để bảo vệ bản quyền kỹ thuật số hiện đang được nghiên cứu ứng dụng lên từng viên thuốc hoặc đơn vị sản phẩm tiêu dùng. Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Advanced Functional Materials, kỹ thuật in watermark bằng phẩm màu thực phẩm an toàn có thể áp dụng lên từng liều thuốc mà không ảnh hưởng đến chất lượng.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, công nghệ không thể thay thế được vai trò chủ động của người tiêu dùng. “Người dân cần tạo thói quen quét mã truy xuất nguồn gốc, mua hàng từ các nguồn uy tín và từ chối tiếp tay cho sản phẩm không rõ ràng về xuất xứ”, Tiến sĩ Hùng nhấn mạnh.
Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại kho bãi khu vực cửa khẩu.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, thói quen tiêu dùng dễ dãi, chẳng hạn như mua hàng nhái thời trang, điện tử chỉ vì giá rẻ đang vô tình hợp pháp hóa thị trường hàng giả. Hệ quả là những chuỗi cung ứng phi pháp ngày càng mở rộng, đe dọa trực tiếp đến môi trường kinh doanh chân chính.
Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: "Không thể chỉ trông chờ vào cơ quan quản lý hay công nghệ. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, chủ động kiểm tra, so sánh và báo cáo nếu phát hiện nghi vấn. Việc xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh chính là hàng rào đầu tiên chống lại hàng giả".
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cũng khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần lên tiếng khi phát hiện hàng giả, hàng nhái… Khi đó, Hội và cơ quan chức năng mới có cơ sở tư vấn, hỗ trợ giải quyết. Bởi hiện nay, sự thiếu hiểu biết hoặc ngại tố giác đang góp phần làm cho hàng giả tiếp tục phát triển”.