Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên thị trường, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), lực lượng quản lý thị trường cả nước đã từng bước củng cố lực lượng, tăng cường triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên theo kế hoạch hàng năm và thực hiện quyết liệt nhiều chương trình, kế hoạch chuyên đề để tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn ở các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Từ năm 2016 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 580.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 352.500 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.900 tỷ đồng (chưa tính giá trị hàng tịch thu chờ bán).
Đặc biệt, sau một năm Tổng cục Quản lý thị trường chính thức đi vào hoạt động (12/10/2018 - 12/10/2019) dù còn gặp nhiều khó khăn do thay đổi mô hình tổ chức, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chưa hoàn tất, trang thiết bị, biên chế còn thiếu thốn nhưng toàn lực lượng quản lý thị trường đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, sau 1 năm hoạt động, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Chuyển 107 vụ việc sang cơ quan tố tụng hình sự; trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.
Với vai trò là lực lượng chủ công trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, chú trọng quản lý địa bàn, kịp thời kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngay đầu tháng 3, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch tả lợn tại các địa phương.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm được đánh giá tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với lĩnh vực nông sản và an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương, để xử lý có hiệu quả hơn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm, các bộ ngành, địa phương sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; trong đó xác định 6 nội dung trọng tâm.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, triệt để các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Bộ sẽ chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng, Hải quan nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm ngay từ tuyến biên giới đường bộ và đường biển.
Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Đặc biệt, Bộ Công Thương còn tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi; khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bộ Công Thương cũng xác định đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân; đồng thời, công khai kết quả xử lý vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.