Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 389 về "Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại" ngày 26/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả trong 10 tháng qua: Gian lận về thuế còn lớn, hàng giả, hàng nhái còn nhiều nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến than, khoáng sản, thuốc lá, vật tư nông nghiệp... Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết cần phải thấy rằng, tại một số địa bàn “nóng”, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng của địa phương buông lỏng quản lý, chưa thực sự quyết liệt với công tác đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.
Cần phải khẳng định, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường, đe dọa tổn hại sức khỏe, thậm chí tính mạng con người, làm cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhà nước cũng thất thu rất lớn các loại thuế trên tất cả các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, phân phối. Con số 2.600 tỷ đồng truy thu thuế từ 44.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ trong ba tháng 8, 9 và 10/2014 được công bố tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 389 là đáng mừng; nhưng cũng không khó để hình dung số tiền thất thu cho ngân sách khi buôn lậu, gian lận thương mại qua mặt cơ quan chức năng còn lớn hơn nhiều số tiền truy thu. Thật đáng báo động, trong khi dự trữ ngoại hối còn thấp, thì mỗi năm, nước ta mất gần 1 tỷ USD cho việc nhập lậu thuốc lá và dự kiến năm 2014, cả nước sẽ thất thu khoảng 8.000 tỷ đồng tiền trốn lậu thuế.
Đáng nói hơn cả là sự gia tăng của tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại trước mắt, trong một thời điểm nhất định, mà nếu không được ngăn chặn kịp thời thì vấn nạn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài tới nền kinh tế nước nhà. Không chỉ chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách, buôn lậu, gian lận thương mại còn bóp chết hàng hóa sản xuất trong nước (vì hàng lậu không thuế nên bán rẻ hơn hàng cùng loại sản xuất trong nước). Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở thời điểm khi một số hiệp định thương mại sắp có hiệu lực hoặc đang trong quá trình đàm phán thì sự gia tăng nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái sẽ càng làm suy yếu thương hiệu Việt.
Đề cập đến tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, lâu nay người ta vẫn thường viện dẫn một số nguyên nhân, như là không ít doanh nghiệp và người dân vì lợi nhuận nên làm ăn bất chính, tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn thiếu "thông thái" nên đã tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái; hệ thống văn bản pháp lý còn nhiều "lỗ hổng", nhất là cơ chế xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái ngày càng lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Để ngăn chặn sự gia tăng của nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, các cơ quan chức năng phải khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng; bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình; đặc biệt là các lực lượng thực thi pháp luật phải tăng cường phối hợp, quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Cần khẳng định rằng, những sai phạm trong kinh doanh, nhất là bày bán công khai hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, các đơn vị này không thể không biết và thoái thác trách nhiệm. Thực tế không quá khó để nhận ra hàng giả, hàng nhái đang chiếm tỷ lệ không nhỏ trên thị trường, thậm chí được bày bán công khai. Nếu người đứng đầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương không nhận thức rõ buôn lậu, gian lận thương mại là phá hoại nền kinh tế và nếu không kiên quyết loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này, thì tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại khó lòng được ngăn chặn và tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.
Yến Nhi