TP Hồ Chí Minh: Tăng cường lực lượng lao động trong các chuỗi cung ứng hàng hóa

Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho người dân Thành phố trong thời gian tới trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ảnh: TTXVN phát

Tại buổi làm việc, các ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất việc Thành phố phải tiếp tục điều chỉnh việc “đi chợ hộ”, sau khi gặp một số bất cập, khó khăn trong những ngày qua trên tinh thần không để người dân bị đứt bữa, đồng thời thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch là lấy xã, phường làm "pháo đài".

Theo đó, lực lượng lao động trong các chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ được tăng cường nhưng phải đảm bảo an toàn. Ngành y tế sẽ tiến hành xét nghiệm hàng ngày đối với số lao động này theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố kêu gọi tất cả các công ty, doanh nghiệp có ứng dụng đặt mua hàng và thanh toán điện tử phối hợp chặt chẽ với các chuỗi cung ứng hàng hóa để tận dụng tối đa việc đặt mua hàng trực tuyến. Đối với một số người dân, dù có điều kiện nhưng không thể đặt mua hàng trực tuyến, các lực lượng phòng, chống dịch cơ sở sẽ hỗ trợ đặt mua hàng hộ, đi chợ hộ.

Đáng chú ý, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi và thống nhất sẽ tăng cường số lượng shipper được phép hoạt động bảo đảm nguyên tắc an toàn, không để lây lan dịch bệnh. Các xã, phường tổ chức, giao cho các trạm y tế lưu động (do lực lượng quân y phụ trách) xét nghiệm hàng ngày đối với các shipper. Hoạt động của các shipper cơ bản theo nguyên tắc lấy xã, phường làm “pháo đài”, trường hợp cần hoạt động ở ngoài phạm vi xã, phường theo quy định thì Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy chống dịch của quận, huyện chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp giữa các xã, phường có liên quan trên tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ yêu cầu Công an Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an các quận, huyện xuống đến các xã, phường kiểm soát chặt chẽ số lượng shipper đăng ký hoạt động và ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ để quản lý chặt chẽ. Sở Y tế chỉ đạo công tác xét nghiệm, giám sát chặt chẽ đội ngũ shipper trên tinh thần vừa làm vừa theo dõi, để có những điều chỉnh cần thiết đồng thời khẩn trương kết nối dữ liệu xét nghiệm với dữ liệu của Công an Thành phố.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bếp ăn ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh, phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức. Ảnh: TTXVN phát

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa hiện nay được cung ứng đến tận các cửa hàng ở các phường trên địa bàn. Tuy nhiên, lực lượng đóng hàng theo yêu cầu của người dân trong các siêu thị, cửa hàng thiếu, không đủ đáp ứng nhu cầu của bà con. Mặt khác, do hiện nay thành phố Thủ Đức và Quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn thuộc "vùng đỏ", shipper không được phép hoạt động nên việc giao hàng từ các địa điểm phân phối đến tổ dân phố cho người dân gặp khó khăn, chậm trễ. Vì thế, Thành phố kiến nghị được bổ sung thêm lực lượng nhân viên phục vụ trong các điểm bán hàng và tổ chức cho shipper được giao hàng trong địa bàn thành phố Thủ Đức và 7 quận, huyện thuộc "vùng đỏ" nói trên để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua hàng của người dân.

Sáng 28/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đến thăm Bệnh viện dã chiến số 10, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), nơi có gần 50 nữ tu công giáo, tăng ni, phật tử tình nguyện phục vụ, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Theo Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 10 Nguyễn Thanh Vinh, Bệnh viện có 3.000 giường và hiện đang điều trị cho hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19, cả bệnh viện đang có 15 bác sĩ, hơn 70 điều dưỡng, hơn 50 nhân sự ngoài y tế.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 10. Ảnh: TTXVN phát

Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảm ơn và gửi lời hỏi thăm tất cả tình nguyện viên tôn giáo đã không ngại khó khăn, gian khổ để chung tay cùng chính quyền đến chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhiều bệnh nhân không khỏi hoang mang, lo lắng, sự có mặt của các nữ tu, các tăng ni, phật tử ở bên cạnh động viên, an ủi sẽ là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đến thăm bếp ăn ở Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức do Đại đức Thích Minh Đạo, trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ tổ chức. Bếp ăn này mỗi ngày phục vụ từ 4.000-6.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến, lực lượng chống dịch, người dân và sinh viên khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảm ơn sự chung tay của các tôn giáo, cùng với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh gánh vác, hỗ trợ lực lượng chống dịch, bệnh nhân và người dân trong những ngày tháng khó khăn. Những cử chỉ hỗ trợ đầy ấm áp đã vun đắp thêm truyền thống nhân ái, nghĩa đồng bào, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
COVID-19 tại ASEAN hết 28/8: Toàn khối thêm 82.943 ca mắc mới, Malaysia vẫn đứng đầu
COVID-19 tại ASEAN hết 28/8: Toàn khối thêm 82.943 ca mắc mới, Malaysia vẫn đứng đầu

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 28/8, 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 82.943 ca mắc COVID-19 và 1.315 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 9.845.742 ca, trong đó 218.437 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN