Trang bìa cuốn sách của Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm. |
Không phải ngẫu nhiên cuốn sách “Quần chúng nhân dân - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” lại được Bộ trưởng Tô Lâm giao cho Nhà xuất bản Công an nhân dân thực hiện.
Trước đó, tháng 8/2016, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã xuất bản cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành; và gần đây nhất, Bộ trưởng Tô Lâm lại cho xuất bản một cuốn sách có giá trị lớn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự” do Nhà xuất bản CAND ấn hành.
Cuốn sách “Quần chúng nhân dân - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự”, sau khi được phát hành đang trở thành tâm điểm chú ý của bạn đọc không chỉ trong lực lượng công an mà còn được nhiều tầng lớp bạn đọc quan tâm theo dõi.
Phóng viên báo Điện tử tamnhin.net.vn phỏng vấn Đại tá, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an Nhân dân xung quanh cuốn sách này:
Trước tiên, Đại tá, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái giới thiệu cho bạn đọc về cuốn sách mang tên “Quần chúng nhân dân - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” của Thượng tướng, GS.TS. Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, do Nhà xuất bản Công an nhân dân thực hiện.Cuốn sách “Quần chúng nhân dân - nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” của Thượng tướng, GS.TS. Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có độ dày 471 trang với nhiều nội dung phong phú bao gồm 47 bài viết, bài phát biểu của Bộ trưởng Tô Lâm được tuyển chọn kỹ từ hàng trăm bài viết, bài nói, ý kiến chỉ đạo trong những năm gần đây.
Dung lượng của cuốn sách trải dài ở nhiều thời gian khác nhau, ở địa bàn, không gian địa lý khác nhau, lĩnh vực đề cập và đối tượng hướng tới khác nhau. Nhưng xuyên suốt cuốn sách là mang tính tổng kết lý luận, chỉ đạo thực tiễn về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, chỉ ra các bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn và những nhiệm vụ, giải pháp công tác quan trọng, hiệu quả nhằm tiếp tục xây dựng, phát huy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng phát triển, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong thời gian trước mắt và tương lai.
Cuốn sách thực sự là tài liệu quý, là cuốn cẩm nang quan trọng phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, vận dụng không chỉ cho công an các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng Công an mà còn là cẩm nang quý đối với tổ bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và các đoàn thể quần chúng, nhất là đối với những cán bộ, chiến sỹ đang làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở mọi miền đất nước. Cuốn sách “Quần chúng nhân dân - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” do Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản tháng 6/2017.
Vào tháng 5/2017, Nhà xuất bản Công an cũng vừa cho ra mắt công chúng một cuốn sách của Thượng tướng, GS.TS. Tô Lâm mang tên: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”. Có một mối liên hệ nào đó giữa hai cuốn sách này? Và chắc hẳn đó là những cuốn sách gan ruột của Bộ trưởng, phải vậy không thưa ông?Theo cảm nhận của tôi với tư cách người biên tập, cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự” của GS.TS Tô Lâm, thì cuốn sách là tiền đề, là cơ sở cho cuốn sách thứ hai “Quần chúng nhân dân - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” mà Bộ trưởng là tác giả.
Trong cuốn sách này, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định: “Nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy tư tưởng của Người về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự là kết tinh những giá trị nhân văn của dân tộc và thời đại. Đặc biệt là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng trọng dân, khoan thư sức dân; tư tưởng về vai trò sáng tạo ra lịch sử của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự có tính hệ thống, toàn diện, sâu sắc”.
Tôi nghĩ, Bộ trưởng dành nhiều tâm sức cho cuốn sách chuyên khảo này. Cuốn sách gồm 4 chương, chuyên khảo nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ an ninh trật tự; nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong bảo vệ ANTT hiện nay; vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo vệ ANTT giai đoạn hiện nay. Có thể nói đây là cuốn sách nghiên cứu toàn diện, phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.
Thưa ông, đề tài cuốn sách là sự tiếp nối, và là cách tiếp cận hoàn toàn mới về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh?Nội dung cuốn sách tác giả đã cho thấy cách tiếp cận mới trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân, nhất là trong việc tiếp nhận, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với việc phát huy vai trò của người dân từ lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam mình, trong đó có tính nhân văn để tạo nên sức mạnh vô bờ bến.
Ví như ở cuốn sách thứ nhất, tác giả ghi lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ tốt nghiệp khóa V, Trường cán bộ huấn luyện Việt Nam (11/1945), rằng: “Phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ dân hết”, thì ở cuốn sách thứ hai, ngay ở lời giới thiệu, tác giả đã dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Công an: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba ngàn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Càng đọc cuốn sách, người đọc càng bị cuốn hút bởi lối viết chân thực, đề cập đến một mảng tri thức lớn mang tầm lý luận sâu sắc về: Quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia qua các thời kỳ cách mạng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; quan điểm của Đảng ta về xây dựng thế trận an ninh nhân dân, và gần đây thời sự nhất là bài viết: quán triệt Nghị quyết XII của Đảng , xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Đọc cuốn sách, bạn đọc có thể biết được đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp về cơ sở tiếp xúc với nhân dân ở nhiều địa bàn khác nhau; gặp gỡ già làng, trưởng bản, bà con giáo dân nói riêng và người dân vùng giáo nói chung, chỉ đạo trực tiếp lực lượng Công an từ Bộ đến địa phương, phối hợp công tác với các cơ quan, Bộ ngành để đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc….
Đây là hai cuốn sách hàm chứa những vấn đề lý luận mang tính chất nghiên cứu nhưng giàu tính thực tiễn của một Giáo sư, Tiến sỹ. Cuốn sách không chỉ giành cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng CAND mà cho phần lớn quần chúng nhân dân, từ người dân ở vùng đồng bằng đến người dân ở các vùng đồng bào thiểu số, đồng bào công giáo nên tác giả đã không sử dụng ngôn ngữ, văn phong bác học mà dùng ngôn từ gần gũi, dễ hiểu với lối văn mạch lạc, logic, đi thẳng vào vấn đề và đưa ra cách giải quyết cụ thể. Vì thế, cuốn sách trở nên phổ thông hóa, ai đọc cũng có thể hiểu được thông điệp của tác giả, ai nghiên cứu, vận dụng đều có thể dễ làm, dễ hướng dẫn cho người khác.
Xuyên suốt nội dung cuốn sách, tác giả đề cập đến những vấn đề hết sức căn bản, chiến lược, lại vừa cụ thể, hấp dẫn như đời sống hàng ngày liên quan đến các lực lượng, liên quan đến đời sống của người dân, trong đó có cả những vấn đề về ngoại giao, tôn giáo, luật pháp. Đặc biệt, ông quan tâm đến cả vấn đề về: dân chủ, nhân quyền, về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành làn sóng mạnh mẽ trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đó, chuyển tải thông điệp tích cực về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam; giảm thiểu tác động, can thiệp thô bạo, thiếu thiện chí vào công việc nội bộ của Việt Nam; góp phần tăng cường sức mạnh đồng thuận của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là an ninh chủ quyền biển đảo.
Tôi thích một số bài viết và cả những chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm trong các hội nghị về đảm bảo an ninh, trật tự trong vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa được in trong cuốn sách, còn cảm nhận của Đại tá, Nhà văn như thế nào?Tôi cũng đồng tình như vậy. Trong tập sách có 3 bài viết xung quanh chủ đề này. Ví như ở tỉnh Nam Định, trong tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Công an về Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ vùng đồng bào theo đạo Thiên Chúa trong tình hình mới” (1994 - 2014), tác giả như tâm sự với các đại biểu khi nhận định: “Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, hiện có 25 triệu tín đồ các tôn giáo sinh sống ở các tỉnh thành trong cả nước, chiếm gần 1/3 dân số quốc gia, là lực lượng quần chúng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào các tôn giáo Việt nam đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ".
Cùng vấn đề này, rất lý thú là khi về công tác ở Hưng Yên, trong bài phát biểu, đồng chí Bộ trưởng tâm sự với hội nghị và các linh mục tham dự thế này: “Việt Nam không có xung đột tôn giáo, không có tôn giáo này Xâm phạm đên lợi ích của tôn giáo kia. Mặc dù các xung đột tôn giáo trên thế giới hiện nay đang phát triển trở thành xu hướng ở Mỹ, Pháp, Anh đều có tình trạng đó. Chúng tôi thường nói với các nước là: “Các bạn thường vỗ ngực nói rằng đây là những quốc gia tự do tôn giáo”, cái thứ tự do tôn giáo đó không giải quyết được vấn đề gì, khi mà hăng năm có hàng nghìn người chết vì xung đột tôn giáo, cái thứ tự do tôn giáo đó không để lại kết quả gì. Những việc như vậy, những xu hướng đó đang lan rộng trên thế giới, rất gần với chúng ta, các nước Đông Nam Á đều có xung đột tôn giáo, từ Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia… và nhiều quốc gia khác; ở Trung Đông, Mỹ, Canada đều có, ở Anh, ở Pháp đều có vấn đề đó. Ở Việt Nam, mọi tầng lớp nhân dân đều được tự do theo hoặc không theo tôn giáo, đều được tôn trọng và mọi tín đồ tôn giáo đều được sống bình đẳng trong an toàn”.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Việt Nam không có sự thù hận trong tôn giáo, khác hẳn với nhiều nước. Tôi có nói nhiều nhà lãnh đạo của các nước Mỹ và Châu Âu: “Cái tự do tôn giáo của các bạn như thế nào mà để cho nhân dân Mỹ, nhân dân Châu Âu sống trong hoảng loạn, đe dọa, bất an rất lớn. Cảnh sát, quân đội khám xét vô tội vạ; chính sách đối với đạo Hồi như thế nào mà cả thế giới đạo Hồi chống lại; cả nước Mỹ, cả cộng đồng Châu Âu sống trong bất an”. Ở Việt Nam mọi người dân được sống trong hòa bình, không phải vì chống khủng bố mà ngăn cản các hoạt động bình thường của người dân, khám xét lung tung; lên máy bay cũng khám xét, vào trong cửa hàng cũng khám xét, đến khu đông người cũng khám xét…”.
Cũng trong cuốn sách, tác giả trích dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người Công giáo tốt phài là người công dân tốt; kính Chúa, yêu nước là nhiệm vụ không thể tách rời, có hết lòng phụng sự Tổ quốc mới làm sáng danh Chúa”. Tư tưởng ấy của Bác Hồ cũng là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với dân tộc và tôn giáo. Không phải ngẫu nhiên mà 70 năm sau, tác giả Tô Lâm có dẫn lời Huấn từ và Sứ điệp của Giáo hoàng Francis gửi Giáo hội Thiên Chúa Việt Nam như là tiếp nhận thông điệp của Chủ tich Hồ Chí Minh vậy, khi Ngài nói: “Người giáo dân tốt phải là công dân tốt” “ Người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước. Người công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”. Một vài sự kiện vừa qua ở miền Trung liên quan đến một số giáo dân tập trung đông người gây ùn tắc, phức tạp trên tuyến quốc lộ 1A, nếu các chức sắc tôn giáo và giáo dân tuân theo lời dạy của Bác Hồ, thực hiện Huấn từ, Sứ điệp của Giáo hoàng như cuốn sách dẫn ra, có thể khẳng định mọi việc sẽ ổn thỏa, trật tự sẽ được thiết lập.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhà xuất bản Công an xuất bản sách của Bộ trưởng, nhưng là những cuốn sách của Ủy viên Bộ chính trị, Tư lệnh ngành, có áp lực nào không trong khâu biên tập, thưa ông?Chúng tôi không cảm thấy áp lực, bởi với chúng tôi, được Bộ trưởng tin tưởng giao phó thì đó là niềm vinh dự. Nhà xuất bản Công an nhân dân tự hào vì có đội ngũ biên tập có trình độ chuyên môn cao, có sự nhạy cảm và bản lĩnh chính trị vững vàng nên đã xuất bản rất nhiều đầu sách của các đồng chí lãnh đạo Bộ.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, Nhà xuất bản Công an Nhân dân đã phối hợp với Viện Chiến lược và Khoa học Công an xuất bản 20 đầu sách của 7 tác giả nguyên là Bộ trưởng Bộ Công an qua các thời kỳ như: Trần Quốc Hoàn; Phạm Hùng, Mai Chí Thọ, Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Hương, Lê Hồng Anh, Trần Đại Quang. Những cuốn sách này tập hợp những bài viết, bài nói chuyện và cả những chỉ đạo của các đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an tổng kết kinh nghiệm quý báu của lực lượng CAND trong suốt chiều dài 70 năm đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xây dựng lực lượng công an…
Còn nhiều cuốn sách khác nữa của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và nguyên lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ cũng được Nhà xuất bản CAND biên tập, xuất bản. 20 cuốn sách trước đây của các Bộ trưởng là sự tập trung trí tuệ, kinh nghiệm và hàm lượng chất xám rất cao của cả lực lượng công an và của cá nhân các đồng chí Bộ trưởng. Rất vui mừng vì cho đến nay những cuốn sách này khi ra đời đã không để xảy ra sai sót gì, được dư luận đánh giá cao và trở thành tài liệu nghiên cứu học tập, vận dụng trong công tác rất hiệu quả.
Lần này, chúng tôi rất vui mừng, hãnh diện và vinh dự được phối hợp với Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tổ chức, xuất bản cuốn sách của GS.TS. Thượng tướng Tô Lâm. Nếu không tin cậy chúng tôi, đồng chí Bộ trưởng, với tư cách là một Giáo sư. Tiến sĩ hoàn toàn có thể xuất bản cuốn sách này ở các nhà xuất bản mà mình thích. Chỉ duy nhất một điều chúng tôi lo lắng đó là về tiến độ thực hiện, vì đồng chí Bộ trưởng quá bận công việc.
Không áp lực, nhưng chắc hẳn cũng có nhiều điều khiến ông cùng các đồng nghiệp trăn trở, suy nghĩ?Để cuốn sách ra mắt bạn đọc không xảy ra sai sót, trong khâu biên tập chúng tôi cũng đã rất thẳng thắn, cầu thị trong việc trao đổi với tác giả để chỉnh sửa từ những chi tiết nhỏ. Với tác giả là Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nên công việc của một lãnh đạo phải công tác thường xuyên với lịch làm việc dày đặc, tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ tích cực từ Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Chúng tôi đã làm việc hết sức có trách nhiệm để xin ý kiến Bộ trưởng để làm rõ hơn một số câu, từ, nhiều khi trình độ thẩm thấu của chúng tôi cũng chưa thể hiểu hết được ý tứ, ngữ nghĩa của tác giả (Bộ trưởng). Các đồng chí tham gia biên soạn của Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cũng hỗ trợ chúng tôi. Những lần như thế, đồng chí Bộ trưởng trực tiếp sửa vào văn bản những câu chữ còn chưa chuẩn, hoặc những lỗi sót đều được đồng chí chỉ đạo rất sát sao, tạo điều kiện nhanh chóng cho công tác biên tập.
Những lần làm việc như thế chúng tôi cũng thấy trình độ mình được nâng lên, được học ở Bộ trưởng tác phong của một nhà khoa học, sự logic, cẩn trọng, kỹ càng và chặt chẽ trong từng từ ngữ, trong từng chú thích. Đó là tác phong của một nhà khoa học, nhà quản lý.
Xin trân trọng cảm ơn!
Ba cuốn sách của GS.TS, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, tập trung nghiên cứu và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công an nhân dân, về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự vừa chuyên sâu, vừa toàn diện, giàu tính lý luận, có giá trị lớn trong thực tiễn cuộc sống, thể hiện tình cảm với Bác Hồ kính yêu của Bộ trưởng Tô Lâm, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |