TP Hồ Chí Minh vận dụng Nghị quyết 98 để giải quyết khó khăn về nhà ở xã hội

Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 của Quốc hội để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X trong ngày 8/12.

Ngày 8/12, kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh bước vào phiên giám sát chuyên đề về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh , giai đoạn 2016 - 2025. Tại đây, nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến nhà ở của người dân được các đại diện sở, ngành, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh nêu ra để tìm giải pháp tháo gỡ. 

Theo báo cáo của Đoàn giám sát HĐND TP Hồ Chí Minh, năm 2021, UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại, làm cơ sở để đôn đốc, giám sát việc chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ đã phê duyệt hoặc nhà nước tổ chức thực hiện. 

Theo đó, có 37 dự án nhà ở thương mại có dành một phần quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Hiện nay, 37 dự án này đang được Thành phố rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư. Đến năm 2023, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng chủ động đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dụng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án theo tiến độ được phê duyệt. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với nhà ở xã hội trên địa bàn, mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh phát triển khoảng 35.000 căn nhà, tương ứng khoảng 2,5 triệu m2. Trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh có 91 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 210 ha, quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó, Thành phố có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư với quy mô 56.200 căn hộ. Tuy nhiên, trong 49 dự án ở giai đoạn này thì có đến 46 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020. 

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 3 dự án nhà ở xã hội dự kiến được bố trí vốn từ ngân sách Thành phố. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Chú thích ảnh
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh phát biểu ngày 8/12.

Theo ông Trần Hoàng Quân, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, vay vốn xây dựng; hay các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay vốn mua nhà cũng chưa ổn định. Ví dụ, TP Hồ Chí Minh đã có chính sách cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp thông qua Quỹ Phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh và theo quy định, mỗi người dân được vay tối đa 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 4,7%/năm. Tuy nhiên, mức vay này còn thấp so với giá trị căn nhà và đối tượng vay còn hạn chế.

Liên quan đến vấn đề nhà ở, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu về nhà ở tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn nhưng số lượng nhà ở đang xây dang dở hoặc đã hoàn thiện mà chưa có người ở cũng rất cao. Đây là thực tế đang tồn tại không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn là vấn đề chung của các đô thị lớn. Tại TP Hồ Chí Minh, tính từ năm 2021 đến quý 3/2023, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới có 2 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 623 căn hộ, đây là sự cách biệt lớn so với con số 26.200 căn của Chính phủ giao. Thực tế, TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì kế hoạch phát triển nhà ở và dự kiến trong năm 2024, với 8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó Thành phố cố gắng giữ chỉ tiêu khoảng 6.500 căn nhà ở xã hội cho người dân. 

"Hiện nay, trong quá trình điều hành, TP Hồ Chí Minh đang tháo gỡ các dự án nhà ở xã hội. Với hơn 80 dự án nhà ở xã hội, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã họp, nghe để tháo gỡ từng dự án. Hiện còn hơn 10 dự án có vướng mắc, khó khăn. Nếu các cơ quan ban ngành TP Hồ Chí Minh cùng tập trung tháo gỡ nhanh, có thể triển khai được trong năm 2024”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm. 

Chú thích ảnh
Ngày 8/12, các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua nhiều tờ trình quan trọng liên quan đến vần đề kinh tế, xã hội...

Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn cho người dân tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố cần ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp nhà đầu tư tham gia. TP Hồ Chí Minh cũng khẩn trương hoàn thành việc lập và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các chính sách liên quan về phát triển nhà ở xã hội tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 98, trong đó phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Quân cho biết, để giải quyết các khó khăn về nhà ở xã hội, TP Hồ Chí Minh sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 của Quốc hội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng; tiếp tục kiến nghị Trung ương nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn việc xác định, phân bổ và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội; kiến nghị ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

"Trước mắt, TP Hồ Chí Minh cũng đã hệ thống được trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để các nhà đầu tư biết thực hiện, gồm các bước liên quan như chấp thuận chủ trương đầu tư; duyệt quy hoạch; giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; cấp giấy phép xây dựng", ông Trần Hoàng Quân cho biết thêm.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Chung tay xây dựng dự án nhà ở xã hội chất lượng
Chung tay xây dựng dự án nhà ở xã hội chất lượng

Với mong muốn mang đến những sản phẩm nhà ở chất lượng, bền vững, dự án Nhà ở xã hội Ori Garden Đà Nẵng của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) sẽ sử dụng dòng sơn ngoại thất cao cấp của Dulux Professional đến từ AkzoNobel – công ty hàng đầu về sơn và chất phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN