Hỏi: Chính phủ đã có những quyết sách gì để phát triển hệ thống dịch vụ Logistics, đặc biệt là vùng ĐBSCL?
Trả lời: Tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định số 1012/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó là mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm Logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ Logistics của Việt Nam, trong đó tập trung vào các dịch vụ Logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình Logistics bên thứ 3 (3PL) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Từng bước triển khai mô hình Logistics bên thứ 4 (4PL) và logistics bên thứ 5 (5PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Như vậy tại vùng ĐBSCL sẽ hình thành 1 Trung tâm hạng II có quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh và thành phố: Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; kết nối với các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang).
Về giải pháp sẽ cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển hệ thống trung tâm Logistics; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các trung tâm Logistics bằng nhiều hình thức theo quy định của pháp luật; khuyến khích đầu tư và phát triển dịch vụ Logistics, gồm cả hoạt động của trung tâm Logistics chuyên dụng gắn với cảng hàng không, kho hàng không kéo dài có yêu cầu riêng về an ninh, an toàn kiểm tra, giám sát hải quan. Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hiện hành phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội của từng địa phương về tín dụng, thuế, giá, phí, lệ phí, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền....
Đánh giá, lựa chọn một số công trình trọng điểm và cấp thiết, có vai trò quan trọng và có khả năng tạo được đột phá lớn để áp dụng thực hiện các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; ưu tiên đầu tư nâng cấp các trung tâm Logistics hiện có, phù hợp quy hoạch và hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua. Lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư các trung tâm Logistics theo Quy hoạch này, đặc biệt là đối với các trung tâm Logistics chuyên dụng hàng không có các yêu cầu, tiêu chuẩn riêng về an toàn, an ninh.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các trung tâm Logistics. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ quản lý hiện đại trong tổ chức và hoạt động của các trung tâm Logistics kết hợp với tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm để các trung tâm Logistics thực hiện chức năng và công năng một cách lâu dài với hiệu quả cao, cạnh tranh và hội nhập được với các trung tâm Logistics của khu vực và thế giới…