Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra đối với 810 thủ tục hành chính và 331 quy định kinh doanh tại 75 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã đề nghị không quy định 91 thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; sửa đổi, bổ sung 625 thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Các bộ, ngành đã trình cấp có thẩm quyền ban hành mới 303 thủ tục hành chính. Tính đến nay, trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành là 3.831 thủ tục (trong đó, Bộ Tài chính có số thủ tục hành chính nhiều nhất là 773 thủ tục; Ủy ban Dân tộc có số thủ tục hành chính ít nhất là 4 thủ tục); số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương là 1.336 thủ tục hành chính.
Trong năm 2023, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh (139 thủ tục hành chính, 3 chế độ báo cáo, 2 yêu cầu, điều kiện) thuộc phạm vi quản lý của 5 bộ, cơ quan (Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), còn 3 bộ (Công Thương, Tài chính, Tư pháp) đang tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh (304 thủ tục hành chính, 20 chế độ báo cáo, 2 yêu cầu điều kiện, 146 tiêu chuẩn, quy chuẩn) tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định kinh doanh tại 224 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, đạt 17,53%. Mục tiêu Nghị quyết số 68/NQ-CP đặt ra là từ năm 2020 - 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt. Hiện còn 3 Bộ: Công Thương, Tư pháp, Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; nhiều bộ, ngành chưa quan tâm, thực hiện thống kê, báo cáo, cập nhật, công khai kết quả cắt giảm, đơn giản hóa sau khi các thực thi được ban hành, như Nghị định số 79/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng (liên quan tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Thông tư số 13/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); các Thông tư số 05/2023/TT-BGTVT, số 06/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.