Xóa đói mùa giáp hạt
Đưa chúng tôi đi tham quan đồng lúa chín vàng bắt đầu thu hoạch, ông Nguyễn Ngọc Anh, khuyến nông viên xã Nhân Đạo cho biết cánh đồng bon Pi Nao có diện tích khoảng 12ha. Hiện bon Pi Nao có 105 hộ dân với 450 nhân khẩu và đa số các hộ dân trong bon đều trồng lúa trên cánh đồng.
Hàng năm, nhà nước hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn bà con bỏ công ra xử lý đất, gieo sạ, làm cỏ, thu hoạch. Cán bộ kỹ thuật và trực tiếp là khuyến nông viên của huyện, xã thường xuyên có mặt trên cánh đồng để hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, bón phân, phun thuốc cho phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của cây lúa cũng như xử lý các loại sâu bệnh phát sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Anh "khoe" hạt lúa thu hoạch trên cánh đồng bon Pi Nao là lúa “sạch” bởi nông dân sử dụng rất ít các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Năm nay, bà con chỉ phun thuốc một lần từ khi gieo sạ cho đến khi thu hoạch, loại thuốc được phun là thuốc trị đạo ôn cổ bông. Người M’Nông tại bon Pi Nao nói riêng cũng như đồng bào M’Nông nói chung sống hiền hòa, gần gũi với thiên nhiên. Họ hầu như không sử dụng các loại súng để săn bắn, hoặc bẫy chim, thú… Trên cánh đồng lúa của bon, bà con vẫn sử dụng cách làm truyền thống từ nhiều năm nay để đuổi chim mỗi mùa lúa chín, đó là treo các loại hình nhân, hoặc quần áo cũ.... Dưới chân ruộng, nhiều loại cá đồng vẫn còn khá nhiều.
Anh Y Cường, 29 tuổi, chủ một hộ gia đình người M’Nông cho biết, gia đình có hơn 1.200m2 đất trồng lúa trên cánh đồng. Năm 2018, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 20 bao lúa tươi, phơi khô thì được khoảng 900kg. Năm nay năng suất dự kiến cũng đạt như năm ngoái. Nhờ hạt lúa thu hoạch trên cánh đồng, gia đình không phải lo thiếu gạo mỗi mùa giáp hạt. Đặc biệt, sau nhiều năm gắn bó với cánh đồng của bon, đến nay gia đình đã học được nghề trồng lúa nước và đó cũng là điều làm anh “vững dạ” nhất.
Anh Y Miên, một người dân M’Nông chia sẻ, bà con trong bon rất biết ơn Đảng và Nhà nước hàng năm đã hỗ trợ trồng lúa, từ hạt giống, phân bón cho đến hướng dẫn kỹ thuật. Các cán bộ khuyến nông rất gần gũi, ai cũng yêu mến. Năm nay, bà con bon Pi Nao lại thu hoạch được một “mùa vàng” và không phải lo “đói cái bụng” nữa.
Phương châm “trao cần câu”
Bàu Muỗi hay bàu Đỉa là tên gọi của người dân địa phương đặt cho cánh đồng bon Pi Nao. Nguyên do là thời điểm bắt đầu việc khai hoang cánh đồng cách đây hơn 10 năm, nơi đây vừa nhiều đỉa, vắt vừa nhiều muỗi đến mức không ai dám đặt chân xuống.
Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp cho biết, xuất phát từ việc hàng chục hộ dân Bon Pi Nao năm nào cũng thiếu ăn vào mùa giáp hạt, năm 2008, huyện ủy, UBND huyện chủ trương khai hoang, mở rộng cánh đồng tại bon Pi Nao để phát triển nghề trồng lúa. Hàng trăm đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên đã được huy động để khai hoang, đắp đập, định hình nên một đồng lúa cho bà con. Tuy nhiên, do cánh đồng nằm giữa chốn “rừng thiêng nước độc” nên nhiều bạn trẻ chùn chân khiến việc khai hoang gặp rất nhiều khó khăn.
“Cái khó ló cái khôn”, một số nông dân giàu kinh nghiệm đã đề xuất sử dụng vôi bột để xử lý trước. Hàng chục tấn vôi đã được rải khắp cánh đồng trước khi tiến hành việc khai hoang, be bờ, đắp đập. Kết quả sau nhiều tháng cho thấy, một cánh đồng màu mỡ được khai hoang thành công, sẵn sàng cho đợt gieo sạ đầu tiên.
Tuy nhiên, những người M’Nông ở bon Pi Nao chưa từng trồng lúa nước. Hàng nghìn năm định cư ở mảnh đất này, họ chỉ quen với nghề trồng lúa rẫy với thời gian bỏ ra rất nhiều, nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Do đó, thời gian đầu các cán bộ khuyến nông rất vất vả, việc gì cũng đến tay hoặc phải chỉ dẫn nhiều lần. Dần dần bà con quen việc, nắm được quy trình xử lý đất, gieo sạ đồng loạt để tránh sâu bệnh, chim, chuột cắn phá cũng như các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch…
Anh K'Bang, một người dân M’Nông chia sẻ, từ nhỏ anh đã theo cha mẹ, ông bà lên rẫy, lên nương. Việc trồng lúa rẫy là nghề truyền thống bao đời. Sau khi đốt nương, dọn rẫy, bà con chọc lỗ và gieo hạt lúa, cây lúa mọc lên hoang dại và phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Đầu mùa mưa gieo hạt thì cuối mùa mưa mới thu hoạch, nhưng chim, chuột, các loại động vật rừng cắn phá nên chẳng được bao nhiêu. Nhưng làm lúa nước lại khác hẳn, có quy trình kỹ thuật chặt chẽ, gieo trồng đồng loạt…
“Dù kỹ thuật cũng phức tạp lắm, nhưng thu hoạch được rất nhiều, hạt gạo rất ngon”, K'Bang hồn hậu nói.
Cũng theo ông Lê Văn Thị, việc hỗ trợ, chỉ dẫn đồng bào M’Nông học nghề trồng lúa nước tại bon Pi Nao không chỉ cơ bản xóa đói mùa giáp hạt, đảm bảo nguồn lương thực mà còn mang ý nghĩa lớn về xã hội, giúp bà con nơi đây ổn định cuộc sống. Tới đây, UBND huyện Đắk R’Lấp sẽ chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ trì việc mở rộng cánh đồng bon Pi Nao cũng như áp dụng mô hình khai hoang, hỗ trợ bà con các thôn, bon đông đồng bào M’Nông trong huyện phát triển nghề trồng lúa nước. Phương châm của huyện là thay vì “cho con cá” sẽ “trao cần câu” cho bà con.
Có thể nói, việc hỗ trợ đồng bào M’Nông phát triển nghề trồng lúa nước đang là hướng đi đúng giúp bà con có thêm nghề nghiệp, sinh kế ổn định để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hướng đi này cần được hoàn thiện, nhân rộng ra nhiều bon, buôn khác trong tỉnh, nhất là trong bối cảnh nơi đây vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao và đời sống người dân còn nhiều khó khăn.