Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí nội dung báo cáo của Tỉnh và ý kiến của các bộ ngành, đại biểu dự họp về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và nhấn mạnh, Khánh Hòa cần phát triển đột phá trong những năm tới, trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng và cả nước;
Cần phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, kết nối các vùng trên cả nước; có hạ tầng tương đối đồng bộ với đầy đủ các phương thức vận tải; có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành;
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, vùng và cả nước;
Phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện nhanh các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh;
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với tỉnh Khánh Hòa như: Quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW và Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết vùng thực chất, hiệu quả, có định hướng, tầm nhìn dài hạn, tương hỗ, cộng hưởng lẫn nhau để triển khai hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về "phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 05/4/2022;
Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, triển khai thực hiện, quản lý, kiểm tra các quy hoạch bảo đảm thống nhất, hiệu quả, theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Kịp thời điều chỉnh và thực hiện hiệu quả các Chương trình phát triển đô thị, Chương trình phát triển nhà ở xã hội, xây dựng mô hình đô thị thông minh… của tỉnh phù hợp với quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu thực tế và quan tâm các chính sách nhà ở xã hội;
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện môi trường;
Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các địa phương trong, ngoài nước, các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, lợi thế và bổ trợ, cộng hưởng lẫn nhau. Đặc biệt, khẩn trương triển khai đồng bộ Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2023;
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, trọng tâm là: du lịch biển, đảo, dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, vận tải biển - hàng không; đô thị ven biển; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển;
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; gắn nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật an toàn xã hội trong từng chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội…