Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra các yêu cầu mới với công tác địa chất, khoáng sản cần được thể chế hóa thành Luật.
Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản có 117 Điều, bố cục thành 12 Chương, tăng 1 Chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010. Nội dung của dự thảo Luật bám sát vào 5 chính sách, với những điểm mới đáng chú ý như: Quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế...
Về quy định tại Điều 7 Chương VI: Phân nhóm khoáng sản, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Quang Khang, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, phân nhóm khoáng sản là một trong những điểm mới và là cơ sở khoa học xuyên suốt cho việc xây dựng nội dung các chương, điều, khoản của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với khoáng sản nhóm II (điểm b, khoản 1) bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng cần chính xác để phù hợp với Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Quang Khang đề xuất, về quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như: Than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến.
Góp ý về việc thăm dò xuống sâu trong ranh giới khu vực đã cấp phép khai thác (phần dưới mức sâu được phép khai thác theo giấy phép đã cấp), ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hiệp hội Đá hoa trắng Lục Yên (Yên Bái) cho rằng, khi giấy phép khai thác còn thời hạn khai thác từ 2 - 5 năm tùy loại khoáng sản, nếu doanh nghiệp có nhu cầu thăm dò xuống sâu thì không quy định tổ chức đấu giá đối với khu vực này mà cấp phép trực tiếp cho chủ giấy phép đang khai thác để được tiếp tục khai thác xuống sâu.
Lý giải vấn đề này, ông Đoàn Văn Huấn cho hay, hạ tầng kỹ thuật gồm các công trình phục vụ dự án đầu tư khai thác khoáng sản cũng như Nhà máy chế biến (nếu có) đều thuộc dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản; kinh phí thực hiện có dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy, việc giao cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động khoáng sản là vô lý và mâu thuẫn, chồng chéo về diện tích khai thác, biện pháp an toàn trong khai thác cũng như giải pháp bảo vệ môi trường… đồng thời tạo hệ lụy về mặt pháp lý liên quan đến chi phí đầu tư cũng như các xung đột trong hoạt động đầu tư.
Góp ý về quy định hoạt động khoáng sản, ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, Khoản 17 Điều 3 dự thảo Luật quy định hoạt động khoáng sản bao gồm cả đóng cửa mỏ là chưa hợp lý. Bởi lẽ, tại Khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật quy định hoạt động khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch, chiến lược được cơ quan quản lý phê duyệt, phải được cấp phép hoặc xác nhận. Trong khi tại dự thảo Luật không quy định cơ quan nào lập quy hoạch đóng cửa mỏ, nội dung, nguyên tắc lập quy hoạch. Mặt khác đóng cửa mỏ có thể phải thực hiện khi khai thác xong phần diện tích, trả lại một phần mỏ hoặc bị dừng khai thác... như vậy không thể lập quy hoạch cho hoạt động này...