Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

2023 là năm đầu tiên Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện mô hình mới sau khi chia tách từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Nguyễn Đán/TTXVN

Cục được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ có tính cấp bách như: phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường nội dung dự thảo (phần Địa chất)… Dù có nhiều biến động về cơ cấu tổ chức, cũng như bộ máy nhưng sau khi đi vào hoạt động, Cục Địa chất Việt Nam đã khẩn trương triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, đến nay, cơ bản các nhiệm vụ đang được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho rằng, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Cục Địa chất Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản và văn bản quy phạm pháp luật, các nhiệm vụ, đề án được giao trong năm 2023 đúng tiến độ. Cục tập trung xây dựng thuyết minh nhiệm vụ năm 2024; trình phê duyệt, công bố khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; khu vực có khoáng sản phóng xạ, độc hại; trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo kết quả các đề án thành phần của Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.

Cục đồng thời xây dựng, ban hành bộ đơn giá các công trình địa chất theo quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật. triển khai thi công thực địa Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; lập Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành Tài nguyên và Môi trường, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Mỹ Dũng cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục đã hoàn thiện để Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hội nghị phổ biến nội dung quy hoạch, kế hoạch thực hiện đã được tổ chức.

Về nhiệm vụ xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cục đã hoàn thiện để Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt; trình Bộ ký văn bản đề nghị các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện Chiến lược. Hiện, Cục đang tổng hợp xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến trình trong tháng 8/2023.

Sáu tháng đầu năm, Cục đã chỉ đạo triển khai đúng tiến độ công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, thể hiện qua kết quả của Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”; Đề án “Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam”; Dự án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam”. Từ những kết quả thực hiện các Đề án, Dự án này, 53 khu vực triển vọng đã được đưa vào quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2021-2033 và dự kiến sẽ bổ sung thêm 40 khu vực khi kết thúc Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.

Đáng chú ý, Cục đã đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác song phương với các đối tác chiến lược trong lĩnh vực địa chất; tham dự Hội nghị Diễn đàn hợp tác khai khoáng Trung Quốc - ASEAN (CAMCF) lần thứ 12; phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về hợp tác xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản (phần Địa chất), với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực Địa chất… Cục cũng hoàn thiện nội dung ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn vận tải FESCO (Liên bang Nga), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM); chuẩn bị nội dung ký kết Biên bản ghi nhớ với Cục Địa chất Trung Quốc; đề xuất ký kết với đối tác Hà Lan trong thời gian tới.

Diệu Thúy (TTXVN)
Đảm bảo kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Đảm bảo kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Khoáng sản Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; cấp phép hoạt động khoáng sản; tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ hoạt động khoáng sản, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo tiến độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN