Phó Chánh Văn phòng Cục Khoáng sản Việt Nam Bùi Thị Mai Lan cho biết, năm 2023, Cục Khoáng sản Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản; đồng chủ trì xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản. Cục Khoáng sản Việt Nam đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Tờ trình, các dự thảo báo cáo trong Hồ sơ trình Chính phủ vào tháng 2/2024, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2024 để chuẩn bị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật.
Về công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, tính hết tháng 6, Cục đã trình Bộ ban hành 13 Giấy phép khai thác khoáng sản; hai Giấy phép thăm dò khoáng sản; 10 Quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản, 12 Quyết định liên quan đến đóng cửa mỏ khoáng sản. Cùng với đó, việc thẩm định, giải quyết hồ sơ đã bám sát và tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
Đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ các công trình giao thông trọng điểm, quốc gia, Cục đã tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023; Nghị quyết số 47/NQ-CP thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Cục đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến của các địa phương, số liệu của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Cục đã tổng hợp trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều phối vật liệu cát san lấp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, Cục đã tiến hành 27 cuộc kiểm tra đột xuất liên quan đến đề nghị cấp giấy phép thăm dò; chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản; đóng cửa mỏ… theo đề nghị của địa phương và doanh nghiệp. Những vi phạm phát hiện qua kiểm tra chủ yếu là việc không lắp hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; thống kê sản lượng khai thác thực tế không đúng quy trình và biểu mẫu theo quy định. Cục đang tiến hành 6 cuộc kiểm tra theo kế hoạch đối với các Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tại các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Yên Bái, Gia Lai.
Cùng với đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đã kiểm tra công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép (giai đoạn 2014 - 2022) của UBND tỉnh Tiền Giang.
Để hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong 6 tháng cuối năm 2023, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang cho rằng, thời gian tới, đơn vị cần tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của các cấp, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam vào thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, Cục tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ.