Du lịch Lào Cai đang đứng trước vận hội mới

Với những tiềm năng to lớn về tự nhiên và văn hóa, Lào Cai là một trong những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Một góc Sa Pa thơ mộng. 

Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 11,5% GRDP toàn tỉnh trong giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, du lịch Lào Cai đang đứng trước vận hội mới, đi kèm không ít khó khăn và thách thức.

* Tiềm năng lớn

Theo ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, theo định hướng từ nay đến 2020, Lào Cai sẽ trở thành trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc và phát triển Sa Pa thành khu du lịch quốc gia. Ngoài ra, du lịch cũng được ưu tiên đầu tư, phát triển ở những địa phương khác của Lào Cai, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế đột phá, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Lào Cai là một trong những địa phương hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch: địa hình đa dạng với đỉnh Fansipan cao 3.134m (được mệnh danh Nóc nhà Đông Dương) cùng những thửa ruộng bậc thang xếp đều theo sườn đồi trong thung lũng Mường Hoa; Vườn quốc gia Hoàng Liên với hệ thống động thực vật phong phú, không khí mát mẻ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và khám phá. 

Lào Cai cũng là nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của 25 dân tộc như chợ phiên ở các huyện vùng cao, làng Hà Nhì với không gian kiến trúc hình pháo đài ở huyện Bát Xát, lễ hội cấp sắc của người Dao ở Sa Pa, lễ hội đua ngựa thồ ở huyện Bắc Hà…

Giải đua ngựa thồ ở huyện Bắc Hà.

Ngoài ra, tại Lào Cai cũng lưu giữ nhiều đền, chùa cổ để phát triển du lịch tâm linh như đền Thượng, đền Mẫu (thành phố Lào Cai), đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), chùa Liên Hoa (huyện Bảo Thắng)… Lào Cai còn là mảnh đất của không gian văn hóa ẩm thực độc đáo mang đặc thù các dân tộc thiểu số vùng cao, rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái và văn hóa. Bên cạnh đó, Lào Cai có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp ôn đới, các sản phẩm rau, hoa quả trái vụ...

Lào Cai hiện có 662 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 8.680 phòng (tăng 112 cơ sở lưu trú so với năm 2015). Trong những năm qua, lượng khách đến Lào Cai tăng nhanh, với tốc độ tăng trung bình khoảng 15%. Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã có 1,2 triệu lượt khách tới Lào Cai, tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.912 tỷ đồng; trong đó doanh thu từ khách du lịch nội địa đạt 2.065 tỷ đồng. Du lịch ở Lào Cai đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát huy được bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.

* Không ít khó khăn, thách thức

Nhận định về sự phát triển của du lịch Lào Cai, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: Trong quá trình phát triển, du lịch Lào Cai đã có những tích lũy đáng kể, tuy nhiên cũng còn một số trì trệ nhất định như nhiều tiềm năng du lịch Lào Cai chưa được khai thác hết, thiếu sự đa dạng hóa và làm mới sản phẩm du lịch. 

Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cáp treo lên đỉnh Fansipan tạo thuận lợi phát triển du lịch nhưng cũng đang tạo ra một số thay đổi về hướng phát triển du lịch của Lào Cai như: ngày lưu trú của du khách ở Lào Cai giảm, hình thành nhiều tuyến du lịch kết hợp khiến du lịch Lào Cai có sức trung chuyển lớn hơn trước... Bên cạnh đó, do thương mại hóa về du lịch, nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương đang dần mất đi hoặc bị biến tướng.

Ông Lù Văn Khuyên - Trưởng phòng Văn hóa, du lịch huyện Sa Pa thừa nhận, do nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế dẫn đến tệ nạn chèo kéo khách du lịch vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động du lịch tại Sa Pa cũng còn nhiều khó khăn, còn tình trạng khách sạn, nhà hàng tăng giá, ép khách vào những ngày cuối tuần... Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề đang làm “đau đầu” các ngành chức năng ở Lào Cai. Với đặc thù là tỉnh biên giới nên thực phẩm bẩn có rất nhiều đường để tuồn vào Lào Cai.

Việc xây dựng hạ tầng du lịch tự phát đã làm khu du lịch Sa Pa mất đi hình ảnh thơ mộng vốn có và tốc độ đô thị hóa quá nhanh với các nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm cũng đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu vùng đất này. Ngoài ra, những năm gần đây thời tiết ở Sa Pa đã nóng hơn bởi tác động của một số nhà máy thủy điện được xây dựng trên địa bàn. Được mệnh danh là “thành phố trong sương mù” nhưng hiện nay những buổi tối sương mù bao phủ thị trấn Sa Pa với thời tiết se lạnh cũng đang dần ít đi.

Một tồn tại nữa đối với du lịch Sa Pa đó là thiếu đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp; công tác cứu hộ, cứu nạn đối với những du khách tham gia loại hình du lịch mạo hiểm (leo núi) còn thiếu chuyên nghiệp và chưa được trang bị những phương tiện cứu hộ cần thiết khi có sự vụ xảy ra... Chính những bất cập trên đã dẫn tới khu du lịch Sa Pa ngày càng trở nên thiếu sức hút với khách du lịch, nhất là với các du khách quốc tế.

Để bảo tồn và phát triển môi trường sinh thái tại Sa Pa, một trong những biện pháp đang được tỉnh thực hiện là thu phí dịch vụ môi trường rừng để tái đầu tư cho hệ sinh thái đang bị xâm hại nghiêm trọng, tuy nhiên cũng chưa nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Lê Đăng Hưng - Công ty TNHH du lịch Khánh Việt cho rằng, việc áp đối tượng phải thu phí chưa đúng và mức phí còn cao (1,5% doanh thu). 

Còn theo ông Đoàn Đức Minh - Công ty TNHH du lịch Đức Minh, các doanh nghiệp lữ hành du lịch của Sa Pa đang phải chịu sự cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp lữ hành ở ngoài Sa Pa và các tỉnh thành phố khác do phải nộp phí dịch vụ môi trường rừng. Việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ do phải cộng cả phí dịch vụ môi trường rừng.

* Phát huy tối đa lợi thế

Trước thực trạng trên, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế du lịch. Theo đó tỉnh tăng cường năng lực quản lý du lịch cho các điểm du lịch trọng điểm như Sa Pa, Bắc Hà và từng bước xây dựng năng lực quản lý tại các điểm du lịch ở Bát Xát, Simacai, Y Tý; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; phát huy tối ưu lợi thế về vị trí địa lý, đa dạng hóa các loại sản phẩm tour để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế... Lào Cai có cơ chế chính sách thu hút đầu tư theo 3 nội dung: Hạ tầng - sản phẩm - cơ sở lưu trú và dịch vụ.

Giới thiệu tiềm năng lợi thế của du lịch Lào Cai.

Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện những chương trình, dự án phát triển du lịch; khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030, UBND tỉnh Lào Cai vừa quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Lào Cai. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý tài sản được tài trợ, viện trợ theo ủy quyền từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tạo nguồn vốn của quỹ. 

Nguồn vốn của quỹ sẽ sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho các đối tượng, chương trình, dự án phục vụ phát triển du lịch phù hợp với tôn chỉ, mục đích của quỹ; tổ chức xét chọn và thẩm định dự án, dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến du lịch để cho vay.

Lào Cai tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các khu tham quan, nghỉ dưỡng như Sa Pa, Bắc Hà, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, Khu du lịch tâm linh đền Bảo Hà, Di tích lịch sử Đền Thượng…Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng và hoàn thiện quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa, đô thị du lịch Sa Pa; xây dựng điểm du lịch quốc gia thành phố Lào Cai; xây dựng tổng thể cụm du lịch Bắc Hà, Bát Xát. Tỉnh tăng cường phát triển các dòng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tài nguyên tại các địa phương; khai thác các di tích, di sản và danh thắng và phát triển du lịch tâm linh, du lịch chợ phiên, du lịch làng bản, cộng đồng...

Với những giải pháp trên, mục tiêu tỉnh Lào Cai đang hướng tới đó là phát triển du lịch theo hướng bền vững để trở thành trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất Việt Nam, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Hồng Ninh
Khai màn Lễ hội du lịch mùa hè Sa Pa 2016
Khai màn Lễ hội du lịch mùa hè Sa Pa 2016

Tối 7/5, tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai) đã diễn ra Lễ hội du lịch mùa hè Sa Pa 2016, khởi đầu cho chuỗi các lễ hội bốn mùa của Sa Pa nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những nét độc đáo, nhân văn của đất và người Sa Pa. Đây cũng là hoạt động khởi đầu cho chuỗi hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2017 tại Lào Cai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN