Giúp nhân dân phát triển kinh tế
Mường La được xem là địa phương có nhiều lợi thế trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tại đây, người dân đã thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, quy mô, hiệu quả của các mô hình này chưa nhiều bởi tập quán canh tác cũ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận dân cư.
Với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, những người làm công tác dân vận tại đây đã không quản khó khăn, thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, truyền đạt cách làm linh hoạt gắn liền với tình hình thực tế ở địa phương. Nhờ cách làm đó, địa bàn đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Hoàng Anh Công ở bản Ít Bon, thị trấn Ít Ong là một điển hình. Trên khu đất vườn rộng hơn 4 ha, nhiều loại cây ăn quả đã được gia đình anh đưa vào trồng. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, các loại cây trồng không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2016, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, gia đình anh Công đã chuyển hướng sang tập trung phát triển hai loại cây ăn quả là nhãn và xoài. Hơn 1.400 gốc nhãn cùng 300 gốc xoài đã được cải tạo lại bằng cách ghép mắt. Năm 2018, nhãn, xoài đậu trái cho sản lượng gấp 3 lần, thu nhập từ vườn cây đạt hơn 300 triệu đồng.
Anh Hoàng Anh Công phấn khởi cho biết, sau khi được tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, anh đã đi học hỏi các mô hình ở nhiều nơi khác. Qua tìm hiểu, anh thấy nhiều loại cây ăn quả cho thu nhập rất cao so với việc trồng lúa, làm nương. Anh cũng nhận thấy, do đất của các hộ dân còn manh mún nên phải biết dồn thửa, nhiều nhà cùng làm đưa máy móc vào canh tác, hiệu quả sẽ cao hơn.
Xác định việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phải gắn liền với lợi ích của nhân dân, huyện Mường La nghiên cứu, tìm hiểu thực tế nhằm tham mưu xây dựng mô hình làm điểm để tuyên truyền, vận động người dân học tập, làm theo. Trong đó, huyện tập trung nghiên cứu, lựa chọn những cây, con phù hợp, hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo tính bền vững.
Ông Phạm Văn Huynh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Ít Ong, huyện Mường La cho biết, các đoàn thể đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động nhân dân về thay đổi thói quen, tập tục sản xuất.
Đặc biệt là chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung đất để triển khai một số mô hình trồng cây ăn quả. Sau các đợt tuyên truyền, vận động, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất và xuất hiện thêm nhiều mô hình hiệu quả.
Tạo lòng tin trong nhân dân
Các phong trào “Dân vận khéo” ở Mường La đã có tác động tích cực trong việc khắc phục hậu quả do thiên tai, giúp người dân sớm ổn định đời sống, sản xuất. Liên tiếp trong 2 năm 2017 - 2018, huyện Mường La phải hứng chịu các đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, đời sống người dân vùng lũ gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất ngưng trệ do diện tích ruộng bị vùi lấp.
Sau gần 2 năm kể từ khi thiên tai xảy ra, công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân vùng lũ vẫn còn khá bộn bề. Hơn 600 ha đất nông nghiệp bị lũ cuốn trôi, vùi lấp, nay phải đo đạc, cân đối, chia thửa cho từng gia đình bị thiệt hại để cải tạo, khôi phục sản xuất.
Tại xã Mường Bú, vào tháng 9/2018, sau đợt mưa kéo dài, nước suối Nậm Pàn dâng cao khiến toàn bộ cánh đồng rộng gần 70 ha của hàng trăm hộ dân bị ngập úng. Ngay sau khi cơn lũ đi qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng xuống cơ sở cùng người dân khắc phục hậu quả.
Ban đầu, công tác tuyên truyền, vận động người dân gặp nhiều khó khăn bởi diện tích thiệt hại lớn, hầu hết các thửa ruộng bị cát, phù sa vùi lấp sâu hàng mét.
Ngoài ra, hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng bị cát vùi lấp hoàn toàn, việc cải tạo khôi phục rất tốn kém. Mặt khác, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước của nhiều người dân ở đây còn khá nặng nề, trong khi đó nguồn kinh phí dành cho việc khắc phục hậu quả còn hạn hẹp.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Bú thông tin, sau hơn 7 tháng vào cuộc quyết liệt, thực hiện nhiệm vụ cụ thể từ các quan điểm, giải pháp chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác dân vận, đến nay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do mưa lũ ở xã Mường Bú đã được người dân khôi phục. Các hộ dân đã tự nguyện đóng góp tiền thuê máy móc, nhân công tiến hành san ủi lấy lại mặt bằng để cấy lúa mà không đòi hỏi sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường La Lò Anh Ngọc cho biết, địa bàn huyện Mường La rất rộng nên khi triển khai thực hiện các mô hình dân vận phải thường xuyên, liên tục. Ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhiều lúc, cán bộ phải cùng ăn, cùng ở với người dân.
Thực hiện việc đăng ký mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện Mường La đã thành lập được 179 mô hình. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Mường La xác định tiếp tục nắm chắc tình hình, tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, với phương châm “lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu” từng bước củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.