Tính đến ngày 4/4, Đắk Lắk đã có trên 36.961 ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước tưới, làm giảm năng suất từ 30 - 70% hoặc mất trắng. Tổng thiệt hại ước tính trên 1.110 tỷ đồng. Trong đó, diện tích bị mất trắng nhiều nhất là cây cà phê với trên 29.348 ha (tăng trên 15.700 ha so cùng kỳ này năm ngoái), 1.494 ha hồ tiêu và gần 4.000 ha lúa nước, còn lại là các loại cây ngắn ngày khác.
Nhiều diện tích cây cà phê ở Đắk Lắk bị chết do thiếu nước tưới. |
Krông Búk là huyện có diện tích cà phê bị khô hạn, thiếu nước tưới, bị mất trắng hoặc giảm năng suất nhiều nhất, với trên 8.588 ha; kế đến là huyện Cư M’gar 6.000 ha, Krông Năng 5.373 ha và huyện Ea H’Leo 4.534 ha.
Đắk Lắk hiện có 250 công trình thủy lợi và hầu hết các con suối tự nhiên, giếng đào đều bị khô cạn nước, các công trình thủy lợi còn lại, hệ thống nước ngầm đều suy giảm nguồn nước, mực nước trên các con sông lớn giảm từ 0,4 - 2 m... Ngoài việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường nạo vét các con sông, dòng suối, ao hồ, tỉnh cũng hỗ trợ các địa phương trên 26 tỷ đồng để khoan giếng, xây dựng các công trình cấp nước tập trung để lấy nước sinh hoạt, chống hạn. Đồng thời, xây dựng một số trạm bơm dã chiến ở nơi có nguồn nước như Lắk, Krông Ana, Ea Kar, đào giếng, khai thác nguồn nước ngầm để chống hạn cho cây cà phê, hồ tiêu. Tỉnh cũng hướng dẫn đồng bào các dân tộc tổ chức bơm xả nước từ các công trình thủy lợi có nguồn nước dồi dào hỗ trợ cho các công trình không đủ nước để kịp thời cứu cho các vườn cà phê, hồ tiêu.
Hiện tỉnh đang kiểm tra, rà soát lại tình hình nguồn nước ở các sông, suối, hồ đập; khuyến cáo, hướng dẫn đồng bào các dân tộc sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Đồng thời, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung hoặc dùng xe vận chuyển nước đến các khu đông dân cư để đồng bào có nước sinh hoạt.