Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch bị phạt tới 500 triệu đồng

Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và đấu thầu là 300 triệu đồng; lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu đồng và lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Công trình The Summit Building (số 350 đường Nguyễn Văn Linh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị UBND thành phố Đà Nẵng xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 150 triệu đồng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Cụ thể, về thiết kế chương trình, dự án đầu tư công, Nghị định quy định phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

Thiết kế chương trình, dự án không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức và giải pháp kỹ thuật không bảo đảm chất lượng; thiết kế vượt quá quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức quy định. Mức phạt từ 100-200 triệu đồng áp dụng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định; phạt tiền từ 200-300 triệu đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng.  

Đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm bị phạt tới 300 triệu đồng

Về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Nghị định quy định phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế không đáp ứng các điều kiện theo quy định.  

Tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật bị phạt từ 200-300 triệu đồng.  

Phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.  

Kê khai khống vốn điều lệ bị phạt tới 100 triệu đồng

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các mức phạt đối với các hành vi vi phạm về thành lập doanh nghiệp.  

Theo đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định.  

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật; không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.  

Hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị sẽ bị phạt từ 30-50 triệu đồng

Mức phạt từ 50-100 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi sau: Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký; tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.  

Hành vi kê khai khống vốn điều lệ bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.

V.T/Báo Tin tức
Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính tại Nam Định
Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính tại Nam Định

Những năm qua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại; nâng cao năng lực, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN