Tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân
Chị Lê Thị Thu Giang, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, do chị thường xuyên thay đổi địa chỉ công ty đóng BHXH nên chỉ vài tháng, chị Giang phải đi cập nhật lại nơi đóng BHXH một lần vào sổ BHXH. "Trước đây, mỗi lần cập nhật lại thông tin trên sổ BHXH, tôi phải mất 2 - 3 ngày, đồng thời phải mang theo đủ các loại giấy tờ như: sổ BHXH, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận chuyển công việc, hồ sơ xin nghỉ việc ở nơi mới... Tuy nhiên, hiện nay chỉ cần khoảng nửa ngày là tôi có thể thực hiện việc cập nhật sổ BHXH tại các trung tâm BHXH quận, huyện", chị Giang chia sẻ.
Cũng theo chị Giang, việc cập nhật BHXH nhanh chóng hơn so với trước đây là do ngành BHXH đã liên thông với ngành công an, hành chính để tích hợp thông tin của người dân lên sổ BHXH điện tử. Vì vậy, dù ở đâu và khi nào cần thay đổi thông tin, người dân chỉ cần đăng kí với các cơ quan BHXH tại nơi đó với một cái căn cước công dân là sẽ được giải quyết thỏa đáng, nhanh gọn.
Tương tự, anh Nguyễn Phước Vinh, ngụ ở TP Thủ Đức cho biết, hiện nay anh không còn dùng thẻ BHYT giấy mà sử dụng thẻ BHYT số có sẵn trên ứng dụng VssID. Với tấm thẻ BHYT số, ở bất kỳ đâu anh Vinh cũng có thể sử dụng được thẻ BHYT và không sợ quên, không sợ mất thẻ khi đi khám chữa bệnh.
Là địa bàn đã triển khai việc tích hợp các thông tin dùng chung dữ liệu của người dân cho các đơn vị sở, ngành liên quan, bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, để thuận tiện cho việc xác nhận các thông tin cá nhân của người dân có trùng khớp với các thông tin người dân kê khai hay không, vừa qua quận đã cập nhật dữ liệu dân cư trên 450.000 nhân khẩu với 120.000 hộ dân lên trên hệ thống thông tin dữ liệu dùng chung của thành phố. Đây là dữ liệu được lấy từ công an quận để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhân hộ khẩu, làm căn cước công dân, đăng kí tham gia BHXH.
Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, đơn vị đã đồng loạt cập nhật dữ liệu trên 8,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trên 2,4 triệu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp… vào cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm. Hiện nay, ngành BHXH thành phố đã liên thông dữ liệu với các cơ sở khám chữa bệnh và bàn giao toàn bộ CSDL cho ngành y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử. Đặc biệt, ngành BHXH và ngành công an đã từng bước đồng bộ hóa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Bằng cách này, người dân trong cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có thể khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip thay cho thẻ BHYT.
Đại diện BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, nhờ hoàn thiện dữ liệu sớm, ngành BHXH đã triển khai hàng loạt ứng dụng, tiện ích đi vào cuộc sống, phục vụ người dân. Trong đó, ứng dụng VssID (BHXH số) được hàng triệu người cài đặt, đứng thứ 7 trong tốp 10 các ứng dụng miễn phí được yêu thích nhất trên kho ứng dụng. Với ứng dụng này, người lao động có thể sử dụng thẻ BHYT trên điện thoại để khám chữa bệnh mà không cần xài thẻ BHYT giấy.
Liên thông khai thác dữ liệu chung
Theo BHXH TP Hồ Chí Minh, tính đến nay TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất việc số hóa Sổ hộ tịch, chuyển dữ liệu về Bộ Tư pháp. Sở Thông tin và truyền thông TP Hồ Chí Minh và Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đang phối hợp xây dựng phương án khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch để giúp người dân không cần cung cấp cho cơ quan nhà nước các bản sao giấy tờ liên quan đến hộ tịch khi thực hiện các thủ tục hành chính như khám chữa bệnh bằng BHXH, BHYT, BHTN...
Để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ số, sắp tới ngành BHXH TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị để liên thông sử dụng các cơ sở dữ liệu chung; tiếp tục nâng cấp, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo 100% phần mềm được liên thông theo quy định; hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, triển khai cơ sở dữ liệu về BHXH cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành BHXH TP Hồ Chí Minh cũng sẽ kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, ban ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ chính quyền điện tử tại TP Hồ Chí Minh; tiếp tục bổ sung năng lực, hoàn thiện các trung tâm dữ liệu của ngành, ưu tiên ứng dụng các công nghệ (AI, BigData, Cloud Computing...) làm nền tảng cho phát triển ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng thành công ngành BHXH TP Hồ Chí Minh nói riêng và ngành BHXH Việt Nam nói chung, góp phần đem lại sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Chia sẻ về việc khai thác dữ liệu dùng chung, liên thông cơ sở dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đang triển khai dịch vụ công trực tuyến duy nhất trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm một cửa điện tử rời rạc trên toàn địa bàn thành phố. Hệ thống này đã được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và đã được xác thực, định danh điện tử để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin cũng giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác của các bộ, ngành Trung ương. Vì vậy, hiện nay cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với tất cả các dịch vụ hành chính công các cấp trên một cổng duy nhất. Người dân có thể thực hiện đăng ký trực tuyến, theo dõi hồ sơ trực tuyến, thanh toán và nhận kết quả điện tử trực tuyến; nắm bắt các thông tin thông báo từ cơ quan nhà nước trong quá trình giao dịch thông qua nhiều kênh Internet, SMS, Email.
"Khi gặp các khó khăn, vướng mắc, người dân, doanh nghiệp có thể gọi đến Tổng đài 1022 nhánh số 2 để được hướng dẫn hỗ trợ hoặc phản ánh ý kiến trực tiếp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Ngoài ra, để nâng cao tính công khai, minh bạch, hệ thống còn cung cấp công cụ theo dõi tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử giúp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ của mình; qua đó tạo thành công cụ để giám sát việc triển khai dịch vụ công của các cơ quan nhà nước", ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.