Về những thách thức cần giải quyết trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đề cập trước hết là vấn đề già hóa dân số. Tiếp đó là vấn đề thị trường lao động phi chính thức vẫn đang chiếm tỷ lệ cao 55,9%. Đây là thách thức với hệ thống an sinh.
Vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, sửa đổi Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội là những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được ngành tập trung cho năm 2023.
Ngoài ra, chính sách chăm lo với người có công, giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em sẽ được xác định cần tiếp tục chú trọng.
Năm 2022, khi dịch COVID-19 vẫn gây những tác động, hệ quả nghiêm trọng với nền kinh tế thế giới và Việt Nam, Bộ LĐTBXH đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân; trong đó, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, với những chính sách an sinh chưa từng có tiền lệ, trong 2 năm qua, Nhà nước đã dành 104.000 tỷ đồng chi hỗ trợ tới hơn 68 triệu người dân, để cả nước cùng vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch.
Trong 3 năm (từ năm 2020 đến hết năm 2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa những sai phạm, bảo đảm kinh phí hỗ trợ được chuyển kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ năm 2021, đến nay, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho hơn 13,3 triệu lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với tổng số tiền chi trả hơn hơn 31.800 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động là hơn 41.046 tỷ đồng.
Về triển khai thực hiện Quyết định số 08, theo báo cáo của 60 tỉnh, thành phố có đối tượng, đến nay đã hỗ trợ cho 5,2 triệu lượt người lao động với kinh phí trên 3.700 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp hơn 3,2 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động gần 530 tỷ đồng.
Nhìn chung, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã đúng trọng tâm, trọng điểm, bao phủ được hầu hết người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (số đối tượng được hỗ trợ bằng 71,8% số dự kiến ban đầu 10), qua đó góp phần phục hồi nhanh thị trường lao động, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm Bộ LĐTBXH. Chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội ngày càng hoàn thiện, từng bước tạo lập khuôn khổ pháp lý minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người cao tuổi, trẻ em, người có công với cách mạng, tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành LĐTBXH thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người người có công với cách mạng, kinh phí trên 29 nghìn tỷ đồng. Điều dưỡng cho trên 500 nghìn lượt người có công.
Các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước về cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với kinh phí hơn 835 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ”.
Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID-19.