Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá cao những kết quả Bạc Liêu đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW. Ông Tạ Quang Đông đề nghị, thời gian tới, Bạc Liêu cần ban hành thêm chính sách đặc thù đối với việc phát triển đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ. Bên cạnh việc làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, công chức. Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để thống kê nguồn nhân lực trí thức của tỉnh, phân loại đánh giá tổng quát về việc phát huy nguồn nhân lực của địa phương nhằm thực hiện tốt hơn Nghị quyết trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27-NQ/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Nhờ vậy, nguồn nhân lực, đội ngũ trí thức của tỉnh ngày càng phát triển nhanh. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cao làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Hiện nay hầu hết cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo phù hợp theo vị trí việc làm, trong đó, số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ đại học trở lên là 11.716 người, chiếm 73,90%.
Thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kết luận của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển đất nước.
Tỉnh thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ trí thức; quan tâm, động viên, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức, phát huy trí tuệ sáng tạo, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học - xã hội của trí thức. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc tiến cử và sử dụng cán bộ là trí thức; tuyển chọn, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch, đúng quy trình.
Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 15% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện dưới 40 tuổi, 25 - 35% có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 70 - 80% cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu có 100% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ đại học và chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác; số cán bộ khoa học đạt ít nhất 11 người/vạn dân; có ít nhất 13,5 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 84%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 32,98%.
Tỉnh kiến nghị Trung ương ban hành chính sách đãi ngộ thu hút trí thức trẻ về công tác tại tỉnh, các huyện còn nhiều khó khăn, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo thống nhất, đồng bộ và giữ chân trí thức giỏi chuyên môn, sớm ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chuyển giao cho tỉnh các dự án, công trình nghiên cứu khoa học, nhất là công trình trình đạt giải cao trong hội thi khoa học cấp quốc gia, có tính ứng dụng thực tiễn, khả thi về lĩnh vực: Tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường.