Hạn chế lãng phí nguồn nhân lực là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Chủ động tích lũy nguồn lực ứng phó với thời kỳ dân số già
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhất trí với nhiều đánh giá, nhận định và kiến nghị nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó cho thấy đã có nhiều chuyển biến từ nhận thức đến trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, cũng như mọi tầng lớp nhân dân về vấn đề này. Để tiếp tục hoàn thiện kết quả giám sát, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa tham gia ý kiến nội dung về lãng phí nguồn nhân lực.
Đại biểu nêu thực tế: Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 67% và tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 27%. Khẳng định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản quyết định năng suất lao động, mà năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia, đại biểu trăn trở: “Nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ”.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN: Giai đoạn 2011-2015 là 4,53%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,97%/năm. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng chưa đủ nhanh nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Do đó, cần giải pháp quyết liệt để năng suất lao động của Việt Nam không bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, để nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng không là hiện hữu.
Dẫn số liệu năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc mỗi năm cả nước có 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, có 60% làm trái ngành, đại biểu đánh giá, việc sinh viên dành từ 4 đến 6 năm học đại học cho một chuyên ngành, nhưng sau đó một tỷ lệ không nhỏ lại làm việc ở một lĩnh vực khác là sự lãng phí lớn cho bản thân sinh viên và gia đình, cho doanh nghiệp và xã hội.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả nước đang thiếu hơn 100 nghìn giáo viên thì tình trạng bỏ nghề của nhà giáo là hồi chuông báo động về việc sử dụng, đãi ngộ đối với các thầy cô. Đây tiếp tục là một sự lãng phí lớn khác về khía cạnh kinh tế, xã hội, có tác động về nhiều mặt, trong đó có cả về niềm tin yêu, sự tự hào đối với nghề cao quý này.
“Thời kỳ dân số vàng là giai đoạn chỉ có một lần trong quá trình phát triển của một quốc gia. Ở nước ta, kỳ dân số vàng dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2038. Theo quy luật nhân khẩu học, khi kết thúc thời kỳ “dân số vàng” cũng là giai đoạn chuyển sang thời kỳ “dân số già”. Vì vậy, phải phát huy tối đa lợi thế dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tích lũy để có nguồn lực ứng phó với thời kỳ dân số già”, đại biểu làm rõ.
Từ những luận điểm đã phân tích, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực xã hội vào Báo cáo giám sát; đồng thời bổ sung giải pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng, để chuyển từ “vàng” về số lượng sang “vàng” về chất lượng.
Bên cạnh đó, đại biểu Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030; Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công, nâng cao văn hóa, đạo đức công vụ.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành; xây dựng chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.
Cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, đại biểu đề xuất xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia. "Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình cống hiến cho quê hương, cho đất nước", đại biểu nêu ý kiến.
“Chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau nếu không có chính sách chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và phát huy tối đa tài sản nguồn nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ dân số vàng”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Chính sách cho nhân lực khu vực công phải cạnh tranh được với khu vực tư
Cùng mối quan tâm với đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp.
Theo đại biểu, chất lượng lao động là chìa khóa tăng năng suất lao động, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất nguồn nhân lực. Đây cũng được coi là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đã có những bước tiến đáng trân trọng, tuy nhiên, năng suất lao động so với các nước trong khu vực vẫn còn khiêm tốn, nếu không có giải pháp quyết liệt thì sẽ gây lãng phí lớn.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đánh giá, Báo cáo của Đoàn giám sát đã thể hiện sự công phu, khách quan và trách nhiệm cao, chỉ rõ nhiều lĩnh vực, công trình, dự án cần tập trung tháo gỡ. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ sự lo lắng vì hiện nay đất nước có nhiều nguồn lực còn bị lãng phí, sử dụng không hiệu quả, “trong khi việc tìm kiếm từng đồng cho ngân sách hiện nay rất khó khăn”.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị bổ sung giải pháp thứ 2 tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công, vì đây là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đại biểu cho rằng, qua giám sát, cần phân tích sâu sắc thêm cơ cấu, chất lượng, số lượng nhân lực theo địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, đánh giá thêm chiến lược quy hoạch hệ thống đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công hiện nay có đáp ứng được yêu cầu hay không; cần cơ chế đột phá nào để hướng đến Chính phủ điện tử, chính quyền đô thị, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Nêu thực tế về việc nhân lực khu vực công đã nghỉ việc gần 40 nghìn người, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân khẳng định, đây là tình trạng báo động khiến cho những nhà hoạch định chiến lược phải suy nghĩ, hoàn thiện kịp thời các cơ chế thu hút, đãi ngộ, bảo vệ, bồi dưỡng, khuyến khích nhân tài cho khu vực công từ xa, từ sớm, nhất là đối với các chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, tránh tình trạng bị động, thiếu hụt nhân sự, khi cần thì không có hoặc khi bố trí thì làm không hiệu quả.
“Chính sách cho nhân lực khu vực công phải cạnh tranh được với khu vực tư. Nhân lực khu vực công phải tiếp tục nâng tầm, định hướng và dẫn dắt cho xã hội phát triển bền vững”, đại biểu Xuân nhấn mạnh.