Phát triển kinh tế biển là lựa chọn ưu tiên của Việt Nam. Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã thông qua Nghị quyết 09 ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chiến lược xác định để có thể bảo vệ vững chắc và khai thác hiệu quả, bền vững biển, đảo, cần ưu tiên quan tâm hàng đầu đối với dải ven biển của Tổ quốc, bao gồm 28 tỉnh, thành phố giáp biển, với diện tích ven biển chiếm 17% tổng diện tích cả nước, là nơi sinh sống của gần 20 triệu người.
Nuôi hải sản trên vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Đây chính là đới bờ - nơi các hoạt động kinh tế tổng hợp diễn ra hết sức sôi động, đạt được nhiều thành quả đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là du lịch, thủy sản, vận tải thủy, công nghiệp chế biến và kéo theo đó là sự hình thành và phát triển các đô thị ven biển. Song cũng là nơi đang đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề nghiêm trọng về môi trường, tài nguyên và các vấn đề khác, liên quan đến an toàn, an sinh xã hội, trong đó có biến đổi khí hậu.
Nói đến giá trị của đới bờ, trước hết phải kể đến giá trị sinh thái. Bởi đất ngập nước ven biển là một trong những nhóm điển hình, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển phân bố dọc bờ biển. Đó là các hệ sinh thái cửa sông, đầm, phá, bãi cát, đất ngập nước sử dụng cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, có tổng diện tích trên 7 triệu ha.
Tại các vùng ven bờ và ven biển còn có các hệ sinh thái đảo và hệ sinh thái rừng. Phần lớn trong số 3.000 hòn đảo tập trung ở vùng biển Quảng Ninh, tạo thành quần thể Khu di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long. Một số rừng ven biển thuộc loại rừng mưa nhiệt đới nóng ẩm, hoặc rừng lá kim với nhiều loài động thực vật, tạo nên sự đa dạng sinh học có giá trị cho đới bờ. Đặc biệt, một số khu rừng đã được đưa vào danh sách các vườn quốc gia cần bảo vệ tính đa dạng sinh học đặc biệt. Đến năm 2015, Việt Nam sẽ có 16 khu bảo tồn biển, điển hình như Đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh); Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng); Hải Vân-Sơn Trà (Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng); Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); Phú Quốc (Kiên Giang)...
Với giá trị sinh thái to lớn nêu trên, vùng biển và ven biển mang đến cho nước ta nguồn lợi thủy sản dồi dào, với tổng sản lượng khai thác cho phép khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm. Đồng thời lượng mưa ở vùng đới bờ dao động trong khoảng 1.000-3.000mm/năm, tạo ra nguồn nước khá phong phú.
Ngoài các bể dầu khí có triển vọng như Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn..., vùng ven biển nước ta cũng rất giàu than, các khoáng chất và sa khoáng khác.
Bao gồm 500 mỏ khoáng chất và mỏ đá với 64 khoáng chất được phát hiện tại các vùng ven biển. Như các chất đốt, kim loại, phi kim, các loại đá quý và nước khoáng. Nhiều mỏ cát thủy tinh có chất lượng tốt, trữ lượng đã thăm dò trên 300 triệu tấn (trữ lượng dự báo khoảng trên 700 triệu tấn). Các nguyên tố quý dưới dạng sa khoáng là Titan, Iimenit, Monaxit, Ziricon cũng được phát hiện ở dọc bờ biển.
Bên cạnh đó, nhiều điểm văn hóa-lịch sử nổi tiếng đã được phát hiện thấy ở vùng ven biển, tiêu biểu như Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế... và trên 100 bãi biển thoải, nước sạch, cát trắng đã và đang thu hút đông đảo khánh du lịch trong và ngoài nước.
Nhờ lợi thế là quốc gia nằm sát đường hàng hải quốc tế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cảng và vận tải biển. Hệ thống cảng biển, bến tàu trong đó có cảng nước sâu nằm trên khắp các vùng biển nước ta. Hiện khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển chiếm tới 70% tổng khối lượng, trong đó vận tải biển nội địa chiếm 28%; vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm 72%. Chưa kể một số vùng ven biển còn có đủ điều kiện xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia lâu dài.
Sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế của Việt Nam nói chung và vùng ven biển nói riêng đã phát triển mạnh mẽ. Kinh tế biển đóng góp khoảng 47-48% GDP. Các ngành kinh biển có đóng góp lớn gồm dầu khí 64%, hải sản 14%, vận tải biển và dịch vụ cảng biển 11%; du lịch biển 9%. Các ngành kinh tế khác có liên quan trực tiếp đến khai thác biển như đóng tàu, sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy sản, thông tin liên lạc cũng phát triển mạnh. Mặc dù vậy, áp lực của phát triển ngày càng gia tăng đối với tài nguyên thiên nhiên và môi trường, cũng như các giá trị khác của vùng biển và ven biển luôn là vấn đề bức xúc trong những năm gần đây.
Văn Hào