Sau 2 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ - CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến cuối năm 2016, cũng là năm cuối thực hiện Nghị định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre triển khai vay đóng mới 12 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, chỉ chiếm 1/3 số tàu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ. Đáng chú ý, không có ngư dân xin vay vốn đóng mới tàu đánh bắt thủy sản mà theo phân bổ lên đến 30 chiếc.
Theo ông Cao Văn Viết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, nguyên nhân là do đặc thù nghề cá Bến Tre có trên 70% ngư dân làm nghề lưới kéo (cào), trong khi qui định của Nghị định 67/2014/NĐ - CP thì không cho phép vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá nghề lưới kéo. Mặt khác, Bến Tre cũng hạn chế phát triển nghề lưới kéo trong khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đóng mới tàu đánh bắt cá xa bờ. Ảnh: Viết Ý/TTXVN |
Ngoài ra, cũng còn có một số lý do khác mà ngư dân ngại tham gia vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ - CP như: các chủ tàu đóng mới không được hoàn thuế VAT mà các cơ sở đóng tàu thì được khấu trừ; chỉ miễn thuế trước bạ đối với tàu đóng mới khai thác thủy sản, còn tàu đóng mới dịch vụ hậu cần nghề cá thì không, nên chưa thu hút được nhiều ngư dân đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
UBND tỉnh đã có kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn thuế trước bạ cho tàu đóng mới hoặc nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Điểm đáng chú ý nữa là ngư dân Bến Tre ít đăng ký đóng mới tàu cá vỏ thép hay vật liệu mới, do ngư dân có truyền thống sử dụng tàu cá vỏ gỗ. Ngư dân cho rằng vận hành tàu cá vỏ thép đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.