Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Hải quân về triển khai Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển", Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã đồng hành với ngư dân.
Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân khai thác thủy sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, phát huy vai trò của ngư dân cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã tập trung thực hiện các nhóm hoạt động, gồm: Tuyên truyền cho ngư dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển; các Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam với các nước; các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển và khai thác, đánh bắt thủy, hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác hải sản bất hợp pháp...
Lực lượng Hải quân căn cứ tình hình thực tiễn hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt cho ngư dân trên biển trong những tình huống cần thiết để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân; thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu ngư dân; hỗ trợ khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc, trang bị cho ngư dân trên biển.
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương trong triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo quy định hiện hành của Nhà nước như: Xác nhận, hỗ trợ nhiên liệu trên biển, hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, tàu cá theo quy định; phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân huy động nguồn lực trao, tặng trang bị thiết yếu phục vụ hoạt động của ngư dân trên biển và thăm, tặng quà cho gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ngư dân thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Ông Ngô Phước Thịnh, chủ tàu đánh cá ngụ thành phố Rạch Giá cho biết, những năm gần đây, đa số tàu đánh cá trên vùng biển Kiên Giang gặp khó khăn, trong đó phải kể đến ngư trường ngày càng suy giảm. Ngoài lực lượng kiểm ngư, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Ngoài việc có mặt tuần tra trên vùng biển, cán bộ chiến sĩ Vùng 5 Hải quân còn tuyên truyền cho ngư dân hiểu biết về vùng biển lịch sử, vùng giáp ranh để ngư dân không đánh bắt sai quy định. Ngoài ra, Hải quân Vùng 5 còn tham gia kịp thời cứu giúp những tàu cá gặp nạn trên biển, hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn...
Ông Trần Chí Anh, ngụ ấp So Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành cho biết, là ngư dân lâu năm theo tàu đánh bắt thủy sản trên vùng biển Kiên Giang, Cà Mau, lúc gặp khó khăn ông luôn được các cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân kịp thời động viên, hỗ trợ. Với những hành động thiết thực, ý nghĩa đó, ông hứa sẽ luôn vươn khơi, bám biển.
Ông Lưu Văn Lợi, cư ngụ tại ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành cho biết, những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, các cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện để ông và ngư dân yên tâm ra khơi. Ông Lợi cho biết sẽ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời thông tin cho lực lượng chức năng về tình hình trên các vùng biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, những năm qua, thông qua Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân luôn có những hoạt động có ý nghĩa và thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân tham gia đánh bắt hải sản an toàn; bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác trên các vùng biển, phát huy vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thông qua các hoạt động từng bước tạo chuyển biến nhận thức cho ngư dân chấp hành tốt quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, nhất là không vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Kiên Giang có chiều dài bờ biển trên 200 km và vùng đặc quyền kinh tế trên 63.000 km2, với 9 huyện, thành phố giáp biển. Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Tây Nam của Tổ quốc, khai thác thủy sản được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Với tiềm năng, lợi thế hiện có, đến nay, Kiên Giang đã phát triển được 9.845 tàu cá. Số tàu cá tham gia đánh bắt hải sản xa bờ khoảng 3.991 tàu (chiếm khoảng 40,5% tổng số tàu cá của tỉnh), sản lượng khai thác bình quân hàng năm khoảng trên 500.000 tấn.
Các chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản xa bờ đã được tỉnh Kiên Giang triển khai kịp thời, đồng bộ, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. Từ đó góp phần vào việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, tổ chức lại sản xuất, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu cá, ngư dân Kiên Giang chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển, thiếu thông tin khi cần hỗ trợ từ cơ quan nhà nước và lực lượng chức năng. Đặc biệt vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài...
Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Kiên Giang mong muốn, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong công tác quản lý tàu thuyền hoạt động trên biển, tăng cường tuần tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ tỉnh trong các hoạt động ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Hải quân Vùng 5 có biện pháp bảo vệ, hỗ trợ ngư dân và tàu cá của tỉnh hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển xa bờ...
Hải quân Vùng 5 và cơ quan chức năng của tỉnh lồng ghép tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.
Kiên Giang sắp xếp cơ cấu nghề hợp lý, tập trung phát triển nghề cá có trách nhiệm. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân, vận động ngư dân chuyển đổi nghề lưới kéo và các nghề ven bờ. Ngoài ra, tỉnh khuyến khích đóng tàu vỏ thép, vỏ composite có công suất lớn, trang bị hiện đại để tham gia khai thác tại vùng biển xa, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với an ninh, chủ quyền biển đảo.