Nỗ lực vươn khơi
Vùng nước cửa biển Cửa Việt thuộc hai huyện Gio Linh và Triệu Phong, là nơi neo đậu tàu cá có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị, lúc cao điểm có thể lên đến hàng nghìn tàu vào tránh trú. Bởi vùng nước này có các khu neo đậu Nam Cửa Việt và Bắc Cửa Việt, cùng cảng cá Cửa Việt và bến cá Bắc Cửa Việt.
Theo ghi nhận vào ngày 23/7, không gian khu vực Cửa Việt rất thoáng đãng, do ngư dân đã đưa phần lớn tàu cá vươn khơi. Chỉ còn một số tàu nằm bờ, đây là những tàu làm nghề khai thác cá thu, do hiện nay không phải là mùa đánh bắt loại cá này.
Ngư dân Bùi Đình Chiến, ở khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh có tàu có công suất trên 800 CV làm nghề khai thác xa bờ cho biết, các chủ tàu vẫn thuyền xuyên đưa tàu vươn khơi và sản lượng hải sản khai thác vẫn ổn định. Khó khăn nhất hiện nay là giá nhiều loại hải sản giảm sút chỉ còn một nửa so với năm ngoái. Điển hình là cá nục chỉ còn chưa đến 10.000 đồng/kg, năm ngoái là trên 20.000 đồng/kg. Mực lửa hay còn gọi là mực chan chu chỉ còn gần 20.000 đồng/kg, so với trên 40.000 đồng/kg cùng thời điểm năm 2018. Giá hải sản xuống thấp là do thương lái Trung Quốc dừng thu mua.
Mặc dù gặp khó khăn, nhưng nhiều chủ tàu vẫn nỗ lực huy động vốn và nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu của nhà nước để vươn khơi.
Còn ngư dân Bùi Đình Thủy ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh có tàu công suất 590 CV cho rằng, khó khăn nhất của chủ tàu khai thác xa bờ là thiếu lao động đi biển, do nhiều người dân ở địa phương đã đi xuất khẩu lao động.
Theo ngư dân Bùi Thiên Thủy, hiện nay các chủ tàu tìm lao động đi biển rất khó khăn. Có tìm được lao động thì phần lớn đã ở tuổi từ 60 trở lên. Khó khăn là vậy nhưng các chủ tàu vẫn tìm mọi cách huy động kinh phí để thuê lao động đi biển.
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt quản lý hoạt động tàu cá của các địa phương ven biển của huyện Gio Linh gồm: Thị trấn Cửa Việt và hai xã Trung Giang và Gio Hải. Đại úy Nguyễn Ngọc Anh, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt cho biết, mặc dù gặp khó khăn do thiếu lao động đi biển, nhưng bà con ngư dân vẫn thường xuyên đưa tàu vươn khơi bám biển, không để tàu nằm bờ. Đơn vị đã và đang tăng cường tuyên truyền bà con thực hiện Luật thủy sản, chuyển đổi nghề đánh bắt cho hiệu quả hơn.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị có nhiều tàu công suất lớn làm các nghề khai thác hải sản xa bờ như lưới vây, mành chụp... Hiện nay, tỉnh vẫn tập trung hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ các chủ tàu thành lập được trên 110 tổ, đội sản xuất trên biển với hàng nghìn ngư dân tham gia.
Năm 2019, tỉnh dự kiến hỗ trợ ngư dân gần 13 tỷ đồng theo các chính sách của Nghị định 67/NĐ-CP. Đối với thực hiện Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá công suất lớn từ 90CV đến trên 700CV, thường xuyên khai thác hải sản xa bờ với khoảng 51,6 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa cho 25 tàu cá với kinh phí 700 triệu đồng, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cho 200 tàu cá công suất lớn với tổng trị giá 2 tỷ đồng...
Việc hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xã bờ đã giúp tăng sản lượng khai thác, năm 2018 đạt 24.000 tấn, năm 2019 dự báo đạt trên 24.000 tấn; trong đó 7 tháng năm 2019 đã đạt gần 16.000 tấn, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cần xử lý nợ xấu từ chủ “tàu 67”
Với tàu cá đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP mà ngư dân thường gọi là “tàu 67”, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị, các ngân hàng đã cho ngư dân vay khoảng gần 437 tỷ đồng để đóng mới 1 tàu dịch vụ hậu cần và 24 tàu đánh bắt, nâng cấp 93 tàu. Đến nay, các chủ “tàu 67” nợ xấu vốn vay từ ngân hàng là trên 144 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, có 10 chủ “tàu 67” ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh nợ xấu số tiền trên. Vừa qua, một ngân hàng đã gửi thông báo, sẽ khởi kiện 10 chủ tàu nợ xấu; trong đó đợt 1 sẽ khởi kiện 3 chủ tàu.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tổ tự quản tàu thuyền khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho rằng, thực tế có nhiều chủ tàu đóng theo theo Nghị định 67/NĐ-CP không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, do giá sản lượng hải sản khai thác không ổn định và gặp rủi ro khi vươn khơi. Tuy nhiên, các chủ tàu cá này vẫn thường xuyên đưa tàu vươn khơi bám biển, chứ không để tàu nằm bờ.
Còn đại diện Tổ tự quản tàu thuyền ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh đề xuất, ngư dân gặp khó khăn do giá và sản lượng hải sản khai thác không ổn định, thì nhà nước nên giảm hoặc hỗ trợ thêm lãi vay ngân hàng.
Trong khi đó, phía ngân hàng cho rằng, rất khó để xác định chủ “tàu 67” khai thác hiệu quả hay không, thông qua sản lượng hải sản đánh bắt. Bởi chủ tàu có thể bán hải sản ở cảng cá khác ngoài tỉnh hoặc bán cho tàu dịch vụ hậu cần ngay trên biển. Và nếu ngân hàng phải tịch thu tàu để xử lý nợ, cũng khó thu hồi vốn, do tàu hoạt động nhiều năm nên giá trị đã giảm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Nguyễn Văn Huân, từ trước đến nay ngư dân không tự khai báo nguyên nhân vì sao không trả nợ được. Phía ngân hàng cũng không báo việc ngư dân trả nợ hay không trả nợ được. Khi ngư dân nợ xấu, ngân hàng mới yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết việc này nên cũng khó.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian gần đây nhiều chủ “tàu 67” hành nghề vây, chụp có sản lượng đánh bắt cao, nhưng giá hải sản xuống thấp. Ngoài ra, thời tiết xấu cũng khiến nghề biển gặp khó khăn. Do đó, đề xuất hỗ trợ ngư dân chuyển đổi một số nghề, theo hướng nâng cao giá trị hải sản khai thác…