Dạy chữ trên đảo Thổ Châu

Để giúp cho con em và nhân dân trên đảo được tiếp tục học tập, xã đảo Thổ Châu đã mở “lớp nhô”. “Lớp nhô” là lớp giáo dục thường xuyên, mở từ lớp 10 đến lớp 12 vào buổi tối cho những ai muốn đi học, bất kể tuổi tác. Hiện lớp học nhô trên đảo Thổ Châu đã mở được một học kỳ.

Cô giáo Dương Thị Thu Thanh (giáo viên trường Tiểu học - THCS Thổ Châu) là một trong những người đầu tiên gắn bó với lớp học này cho biết, vì không có trường cấp 3 nên hầu hết học sinh ở đây chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ, chỉ một số ít gia đình có điều kiện mới gửi con em vào đất liền hoặc Phú Quốc để học tiếp. 


Lớp học nhô được tổ chức vào buổi tối từ 18h30 đến 21h để tạo điều kiện cho học sinh có thể ban ngày đi làm, buổi tối đi học. Chính vì đặc thù như vậy nên học sinh tại lớp khá đa dạng về tuổi tác, người lớn tuổi nhất là 46 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 16 tuổi. Đặc biệt, trong số học sinh theo học tại lớp này có đến gần chục người là cán bộ xã như công an, bưu điện, xã đội… đi học để nâng cao trình độ. Như vợ chồng anh chị Trường Giang, chồng là phó chủ tịch mặt trận xã, vợ là chi hội trưởng phụ nữ xã cũng cùng nhau đi học. Có những gia đình trẻ hai vợ chồng cùng đi học hoặc vài người trong cùng gia đình đi học…

Cô giáo Dương Thị Thu Thanh cùng học sinh của lớp học Nhô trên xã đảo Thổ Châu.


Chị Trần Thị Thu Hương (1989), làm công nhân xưởng mực, chồng làm phụ hồ. Hai vợ chồng đều ham học nhưng gia đình khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng. Đến khi thấy “lớp nhô” được tổ chức, cả hai vợ chồng liền đăng ký. Chị Hương làm công nhân làm việc theo ca, có những khi làm ban ngày nhưng cũng có những lúc làm ca sáng từ 3 - 4 giờ sáng đến 5 - 6 giờ chiều nhưng chị vẫn chưa từng nghỉ một buổi học nào. “Mình học để lấy kiến thức và để tìm kiếm thêm cơ hội tương lai của bản thân và cũng có vốn kiến thức để sau này dạy bảo con cái”, chị Hương cho biết.


Nhỏ tuổi gần nhất lớp, Huỳnh Thúy Hà (1998) hiện tại làm việc tại xưởng chế biến hải sản và phụ việc cha mẹ. Học hết lớp 9 đã 2 năm rồi, Hà cũng như nhiều bạn mong muốn được học lên lớp 10 nhưng gia đình không có điều kiện, Nay được đi học lớp này, Hà chưa nghỉ buổi nào và rất chăm chỉ.


Cô giáo Thanh cho biết, vì tuổi tác chênh lệch, nhiều người bỏ học đã lâu, kiến thức nhớ được không nhiều nên cũng khá vất vả, kiên trì để ôn luyện kiến thức cho mọi người. Nhưng tất cả học sinh đến lớp học đều có quyết tâm cao nên hầu hết tiến bộ rất nhanh. “Hiện tại lớp có 35 học sinh, tôi hi vọng sẽ duy trì sĩ số lớp ổn định, không ai nghỉ học đến khi kết thúc chương trình học”, cô giáo Thanh nói.


Thu Trang
Xây dựng sản phẩm gắn với thương hiệu biển đảo
Xây dựng sản phẩm gắn với thương hiệu biển đảo

Những năm gần đây, người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng quen thuộc và tự hào với những sản phẩm được khai thác, sản xuất từ các vùng biển đảo của Tổ quốc như nước mắm Phú Quốc, tỏi Lý Sơn, yến sào Nha Trang... Những thương hiệu sản phẩm này đã góp phần quảng bá và tạo nên giá trị cho thương hiệu biển đảo Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN