Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) trình Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Năm năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương, đường lối và nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển, đảo, giữ vững an ninh chủ quyền quốc gia, ngăn ngừa xung đột, tạo môi trường hoà bình, hữu nghị hợp tác cùng phát triển.
Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”.
Như vậy, Đảng đã có sự đổi mới tư duy so với Nghị quyết Đại hội XI, trong đó nhấn mạnh: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều này tạo cơ sở trực tiếp cho việc đổi mới tư duy, phát triển nhận thức của Đảng trên các vấn đề cơ bản khác của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho quá trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cần kết hợp chặt chẽ các nhân tố cơ bản của sức mạnh quốc phòng gồm: Lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng gắn với lực lượng, thế trận an ninh nhân dân trên các vùng biển, đảo; xây dựng biên chế tổ chức lực lượng phù hợp, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao tiềm lực, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng và thế trận an ninh trên các địa bàn chiến lược.
Bên cạnh đó, cần chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, hạn chế tiêu cực, tạo sự đồng thuận xã hội... Tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo, động viên, thu hút mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển; vừa hợp tác vừa đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Tính chất nhất quán của quốc phòng Việt Nam là: Tự vệ, chính nghĩa, quốc phòng hòa bình, dựa vào sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay đòi hỏi phải tập trung xây dựng các lực lượng: Hải quân, Phòng không - Không quân, Pháo binh, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển, Kiểm ngư,.. có số lượng hợp lý, chất lượng cao; trong đó, các binh chủng kỹ thuật chiến đấu cần được trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, là chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động phát triển kinh tế biển trong thời bình, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ tác chiến trên biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nguyện vọng và cũng là lợi ích cao nhất của dân tộc Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển… Trước tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông diễn ra phức tạp, đặt ra yêu cầu cao phải tăng cường tổ chức lực lượng và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đấu tranh toàn diện, bằng các hình thức, biện pháp linh hoạt, thông qua chủ trương, kế hoạch chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Sự kết hợp đó phải được tổ chức thực hiện trong từng lực lượng, bộ, ngành và giữa các bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương, kết hợp cả trong nước và ngoài nước.
Để kết hợp đấu tranh hiệu quả, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật biển, làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; triển khai chặt chẽ việc phân vùng, bố trí dân cư ven biển với tổ chức các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ban hành chính sách khuyến khích mạnh mẽ nhân dân định cư, sinh sống ổn định lâu dài trên đảo và làm ăn trên biển dài ngày. Các địa phương có biển, đảo cần có chủ trương, giải pháp, kế hoạch phù hợp, nhằm tăng cường nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp và nhân dân trong quản lý, bảo vệ, khai thác các lợi ích từ biển.
Trên cơ sở các văn bản pháp lý công bố rộng rãi trong nước và quốc tế, cần kiên trì đấu tranh ngoại giao, đàm phán với các nước láng giềng, các nước có tranh chấp thềm lục địa, vùng chồng lấn, phân chia vùng biển lịch sử và đảo; xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo". Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược.
Điều đó chứng tỏ rằng, tư duy mới của Đảng càng làm rõ hơn và mở rộng nội hàm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh: không chỉ trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh tại các địa bàn chiến lược.
Như vậy, nội dung của sự kết hợp trên phải được triển khai tổ chức thực hiện cụ thể ở tất cả các cấp: Trong quy hoạch tổng thể của quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trong nhiệm vụ, trong phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trong quy hoạch xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược, các phương án bảo vệ cần làm tốt ngay từ khâu thẩm định các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, bao gồm các tuyến đường giao thông, hệ thống các sân bay, bến cảng, kho, hệ thống thông tin... không để ảnh hưởng đến thế bố trí quân sự, thế trận quốc phòng, an ninh trên các địa bàn, hướng chiến lược.
Làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của các cấp, ngành và trong nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo; làm cho tư duy về biển, hải đảo được thể hiện đậm nét, trước hết là trong các chủ trương, chính sách phát triển của các ngành có liên quan và các địa phương có biển, đảo. Cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối kết hợp hoạt động bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, nhất là trong xử lý các tình huống phức tạp trên vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Đặc biệt, giải quyết các bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, tôn trọng nhau, bình đẳng cùng có lợi. Đây là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước Luật biển năm 1982. Đó là thành quả đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam.
Đối với các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là: Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm sớm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ chiến lược của công tác đối ngoại trong tình hình mới là: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”. Các quan điểm đổi mới trên rất cụ thể, bảo đảm tính nguyên tắc là một thể thống nhất, có mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ, có tầm định hướng, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo.
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ của Tổ quốc, cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của quốc gia… Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc rất nặng nề, đòi hỏi phải thường xuyên quán triệt, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, sáng tạo trong thực tiễn ở mọi cấp, ngành và toàn dân; phát huy cao nhất vai trò nòng cốt của các lực lượng vũ trang nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.